Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Phản biện của phản biện điều 4 hiến pháp

    Điều 4 Hiến Pháp đã và đang bị nhiều người chỉ trích và đòi xóa bỏ. Luận điểm của những người chỉ trích nói chung cho rằng điều 4 Hiến Pháp mâu thuẫn với các Điều 2, Điều 3, Điều 8, Điều 15, Điều 16, Điều 21, Điều 83… của chính bản Hiến pháp, xin xem bài "Điều 4 Hiến pháp 1992 phá hủy nền tảng của chính bản Hiến pháp" của Trần Mạnh Hảo (1).

    Nhưng trong bất cứ một bài bình luận nào, hay một bài nghiên cứu khoa học nhân văn nào (như phê bình văn học, nghệ thuật, chính trị, triết học, kinh tế, xã hội, và pháp luật), để khách quan và có tính thuyết phục, cũng cần có phần phản biện (refutation), tức là phần tác giả xem xét một cách khách quan quan điểm đối nghịch. Chỉ có trong học đường và xã hội Cộng Sản hay xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa, các bài các bài viết của học sinh, sinh viên hay các bài nghiên cứu khoa học nhân văn mới không có phần phản biện, chỉ một chiều. Trong vấn đề đòi xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp, bên đối nghịch là quan điểm của những người bênh vực điều 4 Hiến Pháp, quan điểm của những đảng viên trung kiên. Trong việc chống lại đòi hỏi bỏ điều 4 Hiến Pháp, quan điểm của Đảng cho rằng điều 4 Hiến Pháp là cần thiết để duy trì sự thống nhất quyền lực (ghi chú: đây không phải là quan điểm của tác giả). Quan điểm này đã được Đảng chính thức đưa lên trong bài "Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân", đăng trên báo Nhân Dân ngày 2/9/2012. Bài báo đó viết, "...do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp." (Ghi chú: kể từ đây cho tới hết, tác giả giả định là người bênh vực điều 4 Hiến Pháp) Xét thấy rằng quan điểm này trên thực tế cũng hợp lý. Bởi vì, mặc dù, theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền thì cần có sự phân công giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng nếu sự phân công cứng ngắc thì quyền lực nhà nước sẽ bị phân tán. Mà một khi quyền lực nhà nước bị phân tán thì nhà nước sẽ gặp hai trở ngại quan trọng, thứ nhất là không thực hiện được một cách mau chóng và hữu hiệu các chính sách lớn như xóa đói giảm nghèo và xóa bỏ cách biệt giầu nghèo giữa các giai tầng xã hội. Bằng chứng là tại Hoa Kỳ, quốc gia được cho là dân chủ và giầu mạnh hàng đầu trên thế giới, nhà nước phải mất nhiều thập niên mới đạt được đạo luật về chính sách cải tổ y tế, mang lại bảo hiểm y tế cho toàn dân Hoa Kỳ, mà sự cải tổ cũng không được trọn vẹn. Bài "Health Care Reform" trên nhật báo The New York Times, số ra ngày 15/2/2013 viết rằng, "Sau nhiều thập niên, sau một loạt thất bại của các vị tổng thống của đảng Dân Chủ và một năm tranh cãi kịch liệt trước đó giữa hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa, vào ngày 23/3/2010 tổng thống Obama đã ký ban hành đạo luật Cải tổ việc chăm sóc y tế (Health Care Reform). Đạo luật mở rộng bảo hiểm sức khỏe cho hơn 30 triệu người, chủ yếu là nới rộng trợ cấp y tế của chính phủ liên bang cho những người có lợi tức thấp và trợ giúp những người có lợi tức trung bình (middle-income Americans) mua các bảo hiểm y tế tư.". Một chính sách xã hội y tế có lợi cho số lớn dân chúng như thế mà phải mất nhiều thập niên Hoa Kỳ mới đạt được, chỉ vì nhà nước Hoa Kỳ thiên về phân quyền cứng ngắc mà thiếu tập trung thống nhất quyền lực.

    So với Hoa Kỳ, đất nước chúng ta vừa yếu kém hơn, vừa nghèo hơn, dân trí còn thấp hơn, và còn nhiều vấn đề kinh tế, xã hội lớn hơn, cấp bách hơn, nếu chọn phương pháp phân tán quyền lực cứng ngắc theo kiểu Hoa Kỳ như một số người đòi hỏi, nhà nước sẽ rất khó thực hiện những chính sách mang lại sự thăng tiến cuộc sống cho người dân.

    Thêm nữa, khác với Hoa Kỳ, là một cường quốc mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, không bị quốc gia nào đe dọa, Việt Nam chúng ta là một quốc gia còn yếu kém về quân sự lại đang có đe dọa biển Đông, hải đảo và trong tương lai có thể cả ở đất liền. Mặc dù tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của chúng ta là vô địch, chúng ta đã chứng minh sự vô địch qua hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh đuổi hai đế quốc đầu xỏ là Pháp và Mỹ, dành lại độc lập và tự do cho dân tộc, nhưng trong thế kỷ kỹ thuật hiện đại, sức mạnh quân sự của chúng ta còn hạn chế nhiều về phương diện vũ khí. Trong tình hình hiện nay nếu không có sự lãnh đạo thống nhất quyền lực của Đảng đối với nhà nước (government), chúng ta sẽ khó bảo vệ được sự toàn vẹn vùng biển, vùng trời, hải đảo và đất liền nếu có tình huống xảy ra.

    Chúng ta thử tự hỏi, trong hai giải pháp sau đây chúng ta chọn giải pháp nào:

    1- Hoặc chúng ta nhân danh dân chủ, nhân quyền tuyệt đối, hay gần tuyệt đối, để đòi hỏi một sự phân quyền cứng ngắc giữa ba ngành của nhà nước như của Hoa Kỳ hay Âu châu, khi có tình huống xảy ra, chúng ta không thể bảo vệ được tổ quốc, chỉ vì không có sự thống nhất chỉ huy, thống nhất lãnh đạo, nên không thể dồn mọi tâm huyết và lực lượng của toàn dân vào việc bảo vệ tổ quốc, để rồi một lần nữa tổ quốc lại rơi vào vòng nô lệ ngoại bang, khi đó thì cái gọi là "dân chủ, nhân quyền, và mọi thứ quyền khác" của nhân dân cũng không còn nữa.

    2- Hay là chúng ta hãy tạm chấp nhận giới hạn dân chủ, giới hạn nhân quyền và quyền công dân, chấp nhận có một sự "phân quyền mềm dẻo" và sự phối hợp và thống nhất quyền lực của ba ngành nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống và thực hiện mau chóng, hữu hiệu các chính sách kinh tế, xã hội và quân sự để thăng tiến phúc lợi của nhân dân.

    Không cần phải lý luận nhiều, chắc chắn những người sáng suốt và yêu nước sẽ thấy rằng việc hạn chế một phần dân chủ, nhân quyền và quyền công dân để Đảng thống nhất lãnh đạo là cần thiết cho sự tồn vong và thăng tiến của tổ quốc. Nói cách khác, đúng như Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố, "Bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát", không phải là Đảng tự sát mà là Tổ quốc tự sát, mà là Nhân dân tự sát.

    Những người đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp ít ra phải có đủ luận chứng thuyết phục hơn cả về mặt lý thuyết pháp lý lẫn mặt tình cảm yêu nước chống lại luận chứng này của phe trung kiên với Đảng thì mới mới hy vọng có thêm sự ủng hộ.

    © Nguyễn Tường Tâm (luật gia)

    Ghi chú:

    (1) Trần Mạnh Hảo - Điều 4 Hiến pháp 1992 phá hủy nền tảng của chính bản Hiến pháp (VAOL)

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728