Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    "Diễn biến hòa bình" hay "bạo lực cách mạng"?

    Hoàng Lại Giang

    “Tôi muốn gởi những dòng cuối này đến anh Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là đồng môn – tôi học trước anh hai khoá. Tuy là học một trường, nhưng tôi và anh có hai cách tiếp cận khác về CNXH. Tôi nghiêng về CNXH dân chủ của Lassall, còn anh theo CNXH bạo lực của Lénin.” “Bạn bè chúng ta thời đại học nói với tôi rằng kể từ khi anh lên chức TBT đã có hơn 50 người yêu nước bị làm khó dễ, bị bắt, bị giam cầm vì nhiều lý do vu vơ.”

    Dấu ấn của những cuộc “Bạo lực cánh mạng”

    Nếu phải chọn một trong hai hình thái trên, tôi chọn “DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH”. Bởi “Bạo lực cách mạng” là bước đường cùng để nhân dân bằng “sức mạnh cứng” của mình đập tan một thể chế chính trị tàn bạo, tham nhũng, một thể chế đối lập với nhân dân về mọi phương diện, trong thể chế ấy mọi quyền của dân đều bị tước đoạt và kẻ cầm quyền lộng hành… đẩy dân vào con đường cùng. Tức nước vỡ bờ, trên thực tế đây là sự đối đầu một sống một chết giữa nhân dân – kẻ bị trị và bên kia là kẻ cầm quyền – kẻ thống trị nắm giữ mọi quyền lực. Với tôi dù bên nào thắng thì vẫn gây ra những tấn thảm kịch cho nhân dân, dẫn đất nước vào chỗ suy vong.

    Nhưng nói thế không có nghĩa là tôi vô cảm với những cuộc “BẠO LỰC CÁCH MẠNG” của nhân dân 13 xứ thuộc địa Anh cùng đứng dậy giành lại nền độc lập từ tay thực dân Anh và từ đó xây nên bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1791, trong đó có 10 tu chính án như đóng đinh vào lịch sử tiến hoá của nhân loại về quyền của con người và quyền của kẻ cai trị, trong đó dân có quyền “Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo…” Và cuộc “Bạo lực cách mạng” Pháp năm 1789-1799. Tuyên ngôn nhân quyền từ cuộc “Bạo lực cách mạng” này cho tới hôm nay vẫn là điểm son mà loài người tiến bộ nhớ ơn: “… Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. “Nguyên tắc chủ yếu đặt ở chủ quyền Quốc gia. Không một tổ chức, không một cá nhân nào có thể sử dụng quyền hành mà không xuất phát từ nguyên tắc đó”.

    Chính những cuộc “Bạo lực cách mạng” trên đã tước đi những quyền mang tính tuyệt đối của các nhà cầm quyền độc tài, toàn trị, sa đoạ, và buộc họ phải coi dân làm trọng.

    Cách mạng tháng Mười năm 1917 là “Bạo lực cách mạng” lật đổ chế độ Sa Hoàng bằng sức mạnh cứng của nhân dân và quân đội. Nhưng cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 của ta lại là cuộc “Diễn biến hoà bình”. Con đường thành công của cách mạng tháng Tám là cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân…và chờ thời cơ chín muồi, chuyển hoá một chính thể thực dân – phong kiến sang chính thể dân chủ cộng hoà. Xét trên phương diện rộng, thì đây chính là chọn lựa của cụ Phan Chu Trinh: Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

    Lịch sử những cuộc chuyển hoá quyền lực 

    “Diễn biến hoà bình” thực chất là sự chuyển hoá tư duy. Từ tư duy cũ theo truyền thống, vận động sang tư duy mới tiến bộ hơn, hợp xu thế thời đại và hợp lòng dân hơn. Rất tiếc loài người đang ở giữa thập niên 20 của thế kỷ 21 mà một vài quốc gia như Việt Nam lại không muốn thay đổi tư duy, thậm chí muốn quay lại tư duy truyền thống theo kiểu phong kiến, nghĩa là ai giành được nước thì sẽ giữ độc quyền cai trị dân hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu trước đây theo kiểu cha truyền con nối thì ngày nay theo nhóm lợi ích có tôn chỉ mục đích đậm nét hình thức. Trên thực tế chính sách mị dân thuở ban sơ ấy đã mất lòng tin trong dân từ lâu lắm rồi. Quyền lực từ xưa tới nay bao giờ cũng có sức mê hoặc rất lớn, có sức hút đáng sợ, ngay cả những chính khách hay nhà văn hoá lớn cũng không dễ rứt ra được; và nếu quyền lực rơi vào tay những kẻ chủ yếu lao động bằng cơ bắp, mang “thành phần cơ bản”, thì quyền lực là mối nguy hiểm cho cả dân tộc! Và vì vậy họ rất sợ “Diễn biến hoà bình”. Những lý giải sai lệch “Diễn biến hoà bình” của họ hoàn toàn dựa theo cảm tính chủ quan, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn lịch sử. Hãy đọc lại lịch sử nước nhà để thấy “Diễn biến hoà bình” là tất yếu của sự tiến hoá loài người, không có gì phải lo sợ.

    Lịch sử Đại Việt còn ghi rõ ở triều Đinh, Đinh Tuệ lên ngôi lúc 6 tuổi. Vào lúc quân Tống chuẩn bị xâm chiếm nước ta, cả triều thần tôn Lê Hoàn lên ngôi. Thái hậu họ Dương, vượt qua lệ ước dòng họ, đã đứng về phía Lê Hoàn, chấp nhận phế đế, chung lòng chống kẻ thù tuyền kiếp của Đại Việt. Cuộc phế lập trong ôn hoà của Dương Thái hậu và đình thần triều Đinh đã xoay chuyển tình thế, làm chỗ dựa cho cuộc chống Tống kết quả và đưa nhà tiền Lê vào lịch sử như một vương triều có công chống xâm lược của Đại Việt.

    Cuối nhà tiền Lê, bắt đầu bằng cuộc tranh giành ngôi vương và sự bạo ngược của Lê Long Đỉnh… Triều thần tiền Lê đã sáng suốt tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Tất nhiên công đầu thuộc về nhà sư Vạn Hạnh. Không ngờ đây lại là một triều đại có tầm nhìn của trăm năm, nghìn năm, cấp tiến, để lại cho hậu thế những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể sáng giá cho đến tận hôm nay. Văn hoá đời Lý là văn hoá từ bi hỷ xả của Phật giáo. Nhớ lại cuối thời tiền Lê, xã hội Đại Việt lấy quyền lực làm quốc sách, anh em tranh giành nhau quyền lực, giết hại nhau vì quyền lực, tàn bạo, sa đọạ, dâm đãng … mới thấy Lý Thái tổ tôn vinh Phật giáo, lấy tư tưởng nhà Phật làm tư tưởng chính thống của Đại Việt là có lý do của Ngài. Con người ấy, tư tưởng ấy, tầm nhìn ấy đã không do dự dời đô về La Thành – Đại La và sau đổi thành Thăng Long. Về chính trị, ngoại giao,… Lý Thái Tổ đã tự mình làm gương, bắt các thái tử phải cầm quân ra trận. Dư âm của các sứ quân, rồi Chiêm Thành, Chân Lạp đều lo sợ không còn đất sống, phải triều cống Đại Việt để “bảo toàn đất nước và sinh mạng nhân dân”. Đại Việt bước vào thời kỳ nước yên, biển lặng, giặc Tống cũng nể sợ, muốn mà không dám gây hấn.

    Vua tôi đồng lòng, đấy là thời kỳ giữa vua và dân ít có khoảng cách nhất. Suy đi ngẫm lại, phế và lập theo con đường “Diễn biến hoà bình” là cần thiết cho một xã hội tàn bạo, hủ bại, tham nhũng, hách dịch, chuyên quyền chuyển hoá bằng con đường hoà bình sang một xã hội tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, nhân ái và hợp lòng dân hơn mà ít tốn xương máu, thì ai lại nỡ lên án, thậm chí căm thù, dùng quyền lực mà triệt tiêu.

    “Quân sư” cho “diễn biến hoà bình” ở Việt Nam là Trần Thủ Độ. Nếu không có sự tận diệt con cháu nhà Lý cho chắc vương triều Trần vô cùng dã man thì đây là cuộc chuyển giao quyền lực đẹp nhất từ vương triều Lý đang suy vong sang vương triều Trần đầy sinh lực. Lịch sử không có “giá như”, nếu cho phép “giá như” thì tôi “giá như” không có cuộc phế lập bằng con đường “Diễn biến hoà bình” này, thì Đại Việt ta chắc khó bề đương nổi với đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh đang tung vó ngựa từ Đông sang Tây. Chính trong cái hoạ binh đao Nguyên Mông thế kỷ 13, dân tộc ta xuất hiện nhiều danh tướng và hiền tài cho tới hôm nay vẫn còn là những vì sao chói sáng trên bầu trời nhân loại.

    Thật là một thiếu sót, nếu lịch sử quên cuộc phế – lập, “Diễn biến hoà bình” triều đại Lê Thánh Tông. Triều Lê Nhân tông tưởng suy bởi sự tranh giành quyền lực, các nhóm triều thần gian xảo làm những cuộc đảo chính, lập thái tử Nghi Dân lên ngôi. Nhưng chỉ 6 tháng sau, cuộc “Diễn biến hoà bình” của các đại thần còn chút lòng yêu nước thương nòi đã lập Tư Thành lên ngôi, hiệu là Lê Thánh Tông. Khác với các vua trước cùng thời, Lê Thánh Tông tỏ rõ bản lĩnh và đức độ của một đấng anh quân, đã khai sáng triều đại mình.

    Cho đến hôm nay, là người Việt, dù có đi bốn phương trời, nhưng không ai không tự hào về đất nước nghìn năm văn hiến của mình. Nhưng cái gốc của nghìn năm văn hiến khởi nguồn từ đâu? Tôi nghĩ có thể nó bắt đầu từ đời Lý với việc định đô ra Thăng Long của Lý Thái Tổ, với việc lập Văn Miếu của Lý Thánh Tông… Nét Văn hoá từ bi hỷ xả sâu đậm nhất ở thời kỳ này.

    Văn hiến thời Trần là Hội nghị Diên Hồng, tìm sự đồng lòng trong công cuộc chống kẻ thù mạnh hơn ta trăm lần, nghìn lần, là “Sát thát!” với kẻ thù, là văn hoá độ lượng dung tha, gác lại quá khứ hướng về tương lai của các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông sau khi thắng trận. Một nét văn hoá đậm tính nhân văn của cha ông một thời cực đẹp vậy mà ở thời hiện đại nhiều nhà lãnh đạo của chính thể mới lại e dè, lo ngại và hướng về tư tưởng bảo vệ vương triều hơn là tư tưởng nhân văn thời Trần. Điều đó tạo nên sự hận thù của người trong một nước, chứ không hề nghĩ về Hội nghị Diên Hồng, nghĩ về hai chữ “Sát thát!”, về khoan dung. Nói cách khác, ý thức hệ đã đẩy chủ nghĩa nhân văn ra khỏi tầm với của nền văn hiến có tự ngàn xưa! Mối nguy hiểm mà cha ông thời nào cũng cảnh giác là đưa đất nước xích lại gần hơn với kẻ thù và đẩy nhân dân ra khỏi tầm của Hội nghị Diên Hồng.

    Nhưng nét văn hiến nghìn năm đậm nét nhất là ở văn hoá đời Lê với tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi, tư tưởng “Tâm công sách” của nhà văn hoá kiệt xuất này. Sau Nguyễn Trãi là Lê Thánh tông. Đây là một vị vua để lại sau mình nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể lớn nhất trong các triều đại. Ngoài việc “định phép thi hương, sửa phép thi hội” nhằm chọn hiền tài cho đất nước, danh xưng tiến sĩ bắt đầu từ triều đại này. Trong văn bia đời Lê Thánh Tông, tiến sĩ Thân Nhân Trung để lại cho hậu thế những câu bất hủ: “… Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết.” Với 24 điều dạy của vua Lê Thánh Tông, chúng ta cảm nhận được giá trị của một nền văn hoá cốt lõi của Việt Nam hôm nay: nền văn hoá lấy dân làm trọng, quan lại là nô bộc của dân, ý dân là ý Trời. Và cũng bắt đầu từ vua Lê Thánh Tông, cương vực lãnh thổ, trên bộ, trên biển đảo được các quan sở tại trình báo chi tiết từ nơi mình ở có núi, sông, hồ, biển đảo,… lên triều đình để lập địa đồ cho nước được chính xác. Ngài còn căn dặn các tướng sĩ:

    “Ta phải gìn giữ cho cẩn thận đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của vua Thái Rổ để lại.”

    Trần Trọng Kim viết trong “Việt Nam sử lược”: “… Xem những công việc của vua Thánh Tông thì ngài thật là một đấng anh quân. Những sự văn trị và võ công ở nước Nam ta không có đời nào thịnh hơn thời Hồng Đức. Nhờ có vua Thái Tổ thì giang sơn nước Nam mới còn, và nhờ có vua Thánh Tông thì văn hoá nước ta mới thịnh.”

    “Diễn biến hoà bình” không phải như những gì người ta gán ghép

    Lật lại lịch sử phát triển Việt Nam ta thì “Bạo lực cách mạng” thường xảy ra khi cần lật đổ ách đô hộ của kẻ thù dân tộc, còn hầu hết những chuyển hoá các triều đại đều là từ việc phế – lập mà ngày nay gọi là “Diễn biến hoà bình”. Đấy cũng là sự vận động khách quan của quy luật. Không hiểu từ cơ sở nào mà có người lại định nghĩa: “’Diễn biến hoà bình’ là một trong những chiến lược có ý nghĩa và phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50, hoàn chỉnh ở thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nhằm chống các nước XHCN, phong trào độc lập dân tộc và phong trào tiến bộ trên thế giới…” (Báo điện tử của Đảng CSVN).

    Quả thật tôi chưa bao giờ dám nghĩ có một Thánh nhân nào đó lại có thể lật đổ được CNXH ở Đông Âu và Liên Xô. Bởi lẽ các chế độ này qua một bộ máy tuyên truyền lớn nhất trong mọi thời đại đã bám rễ sâu từ trung ương đến tận hang cùng ngõ hẻm các làng xã trên 50 năm ở các nước Đông Âu và 70 năm ở Nga. Hơn một lần tôi nói trên mạng Internet rằng sự sụp đổ ấy bắt nguồn từ ý chí chủ quan của nhiều nhà lãnh đạo các nước XHCN. Chính họ đã bất chấp quy luật tiến hoá của lịch sử phát triển loài người. Sau trên 2 thập kỷ, tôi chưa thấy Đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu trở lại nắm quyền lãnh đạo ở nước họ – mặc dù chế độ mới ở các nước ấy không cấm Đảng cộng sản hoạt động. Vì vậy, một Khrutsov, một Gorbachev không thể có sức mạnh siêu phàm nào để giữ cái chính quyền ra đời từ ý chí luận của các bậc tiền nhiệm! Nói cách khác, Khrutsov nhận ra tính không tưởng của thể chế mà họ đang dắt nhân dân Nga đi, nhưng đến Gorbachev nhận ra sự bất đồng quyết kiệt của nhân dân Nga với chính quyền mà ông là đại diện, và sự chuyển biến của ông nằm trong cái thế tất yếu của lịch sử.

    Những cuộc “Diễn biến hoà bình” gần đây nhất là những cuộc cách mạng mang tên hoa nhài ở các nước Bắc Phi. Những cuộc xuống đường của nhân dân đã buộc những nhà lãnh đạo cao nhất, từng có thâm niên trị vì nước họ, phải từ chức, hoặc phế bỏ. Ai cưỡng lại sức mạnh của nhân dân, người đó hãy noi gương Gaddafi ở chiếc cống ngầm!

    Nhưng tôi lại thiện cảm với đất nước Miến Điện. 40 năm trong chế độ quân phiệt, nhưng dân tộc này lại “Diễn biến hoà bình” theo đúng nghĩa của cụm từ trên để lột xác thành một nước tự do, dân chủ và nhân quyền đích thực, những nhà chính trị khác chính kiến đã được tự do ra khỏi trại giam và tiếp tục hoạt động trở lại. Người tù nhân tiêu biểu là bà Suu Kyi. Báo chí và xuất bản đã được tháo “vòng kim cô” định hướng, khống chế và kiểm duyệt. Dân được quyền ra báo và xuất bản, lập hội, biểu tình, … như những gì mà Nguyễn Ái Quốc đòi thực dân Pháp phải trao cho nhân dân Việt Nam từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Vậy mà hôm nay Quốc hội Việt Nam vẫn chưa thông qua được luật xuất bản trong đó tư nhân được lập nhà xuất bản. Còn Miến Điện thì …coi đó là chuyện tất yếu để trở thành một nước dân chủ.

    Công lao vĩ đại này trước tiên thuộc về tổng thống Thein Sein.

    Lịch sử các triều đại chứng minh, những kẻ nắm quyền lực, thường có xu hướng giữ chặt quyền lực, tăng thêm uy quyền để dễ trị vì dân chúng, và vì vậy trường hợp vị tổng thống đương nhiệm Thein Sein là một ngoại lệ. Hành động của tổng thống Thein Sein chắc chắn được nhân dân thế giới tôn vinh như là bậc vĩ nhân của thời hiện đại, dám chia xẻ quyền lực, đúng hơn là trao lại quyền lực về tay nhân dân, làm một tấm gương cho không ít nhà lãnh đạo một số nước đang còn mê muội bởi quyền lực, coi nhân dân như những tù nhân của chính mình dưới lớp vỏ hào nhoáng: Chính quyền của dân, do dân, vì dân!

    Việt Nam thời hiện đại vẫn còn đó những tấm gương trung dũng kiên cường, học rộng tài cao chí lớn …mưu lược một thời. Ở đây tôi xin nhắc đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Cả ba nhà chí sĩ này theo 3 con đường cứu nước khác nhau. Phan Bội Châu thì nhờ đồng lân, đồng chủng là Nhật Bản giúp ta chống Tây. Phan Chu Trinh theo con đường “thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấy rõ ngọn nguồn, đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền…” (Thư của Phan Chu Trinh gởi Nguyễn Ái Quốc ở Marseille 18-12-1922).

    Còn Nguyễn Ái Quốc thì theo Quốc tế 3. Ở đây tôi không đề cập đến nội dung của hai con đường cứu nước(giữa PCT và NAQ) mà tôi chỉ nói tới phương pháp cách mạng không đồng nhất giữa hai người, cũng trong thư Phan Chu Trinh gởi Nguyễn Ái Quốc: “… từ thời xưa tới nay, từ Á sang Âu chưa có một người nào làm cái việc như anh (NAQ), anh lấy cái lẽ ở nước mình lưới giăng tứ bề, mà về nước ắt là sa cơ, gia dĩ dân tình sĩ khí cơ hồ tan tác, bởi cái chính sách cường quyền nên sự hấp thụ lí thuyết kém cỏi, bởi thế mà anh cứ khư khư cái phương pháp “ngoạ ngoại chiêu hiền đãi thời đột nội”.

    Nhưng cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã thành công. Cuộc Cách mạng tháng Tám dựng lên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cùng với Tuyên ngôn độc lập, Bản hiến pháp năm 1946… là sự tích luỹ bao kinh nghiệm, bài học, thành quả của nhân loại tiến bộ cho tới thời ấy mà Nguyễn Ái Quốc có được.

    Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là tấn công chính quốc ngay trên chính quốc. Và khi có điều kiện thì về nước. Cuộc “Diễn biến hoà bình” cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị và mai phục từ những năm 20 của thế kỷ 20. Rất tiếc sau đó cuộc “Diễn biến hoà bình” lại trở thành “Bạo lực cách mạng” do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, mà hôm nay chưa dễ có sự đồng thuận của nhiều nhà lịch sử, nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước. Nhưng nhìn vào thực tế thì ai cũng thấy Quốc tế 3 thất bại và Quốc tế 2 thành công ít nhất là ở các nước Tây Âu. Lãnh tụ của Quốc tế 2 là Enghen. Những năm cuối đời, Enghen nhìn thấy sai lầm của chủ nghĩa L.A. Blanqui (lãnh đạo thuộc phái bạo lực trong Quốc tế 1): Dựa vào bạo lực cách mạng là có thể tạo ra một xã hội không có áp bức và bóc lột! “… Tuy nhiên, đừng tưởng đó là toàn bộ nền chuyên chính của toàn bộ giai cấp cách mạng tức là giai cấp vô sản, mà là chuyên chính của số ít người …số người này lại phục tùng chuyên chính của một hoặc vài người” (Toàn tập Marx-Enghen, cuốn 18, tr 580-581 bản Hoa văn). Thời hiện đại TBT Ziuganov cho rằng: “Nguyên nhân cơ bản khiến Liên Xô và Đảng cộng sản sụp đổ là sự lũng đoạn đối với tài sản, quyền lực và chân lý”. Ở đây không có kẻ thù địch và “Diễn biến hoà bình” nào cả!

    Cái giá của “Bạo lực cách mạng” và nền văn hiến Đai Việt thời hiện đại 

    Tôi nghĩ giá như – lại giá như – chúng ta đứng trên nền tảng của chủ nghĩa dân tộc như hầu hết các nước ở Đông Nam Á thì biết đâu chúng ta tránh được cuộc “Bạo lực cách mạng” kéo dài suốt 30 năm cùng với những cuộc cách mạng gọi là “dân chủ” gây ra cho dân tộc chúng ta bao nhiêu cảnh nồi da xáo thịt, hàng bao nhiêu triệu gia đình tan nát, mẹ mất con, vợ mất chồng, anh mất em, những cuộc ly tán mất nhà mất cửa mất cả quê hương. Một thứ văn hoá phi văn hoá làm đảo lộn văn hoá trong sáng của người Việt được giữ gìn trong trường kỳ lịch sử, qua các cuộc giảm tô, cải cách ruộng đất, cải tao tư sản. Con người Việt thời cách mạng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù … Con tố cha, vợ tố chồng, anh tố em. Cho đến tận hôm nay kẻ thù lại mai danh ẩn tích trong “Diễn biến hoà bình”, còn chính kẻ thù đã và đang cướp biển đảo của ta thì gọi là đồng chí vàng, bạc! Thế hệ chúng tôi lớn lên trong cách mạng, số còn sống hôm nay vẫn không hiểu đây là thứ văn hoá gì? Cho đến hôm nay tôi vẫn nhớ như in lời dạy của vua Trần Nhân tông lúc tôi còn là sinh viên: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họạ lâu đời của ta là họạ Trung Hoa…” (Di chúc của Trần Nhân tông).

    Cốt lõi của một dân tộc là văn hoá chứ không phải là đất rộng hay hẹp, nhiều tài nguyên hay ít tài nguyên, không phải người đông hay thưa. Tất cả chỉ là chất xúc tác để tạo ra bản sắc văn hoá của một dân tộc. Bản sắc văn hoá ấy nông hay sâu, dày hay mỏng, rộng hay hẹp, đa tầng hay ít tầng… sẽ quyết định tâm thức của dân tộc ấy. Tâm thức văn hoá quyết định sức mạnh của một dân tộc, quyết định cả sự tồn vong của dân tộc.

    Chúng ta tự hào nghìn năm văn hiến là dựa trên cái cốt lõi của một nền văn hoá được vun xới, bồi đắp qua hàng nghìn năm dựng nước và mở cõi của tiền nhân, tạo thành nhân cách của một dân tộc. Nhân cách ấy là bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một dàn, là lá lành đùm lá rách, là anh em như thể tay chân, là người trong một nước phải thương nhau cùng – trong ca dao, tục ngữ. Là lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, là việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Nguyễn Trãi. Là quyền biến, lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc – Trần Hưng Đạo.

    Giá trị của văn hoá là giá trị tiềm ẩn, mang đậm dấu ấn riêng của một dân tộc. Theo UNESCO thì “Văn hoá là hệ thống tổng thể những giá trị biểu trưng quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng và làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng”.

    Tóm lại “Diễn biến hoà bình” xuất hiện tự thời cổ đại thường được gọi là phế – lập, khi xã hội loài người có vương quyền (có kẻ cai trị và người bị trị). Nó là sự vận động khách quan của các mối quan hệ giữa người và người, giữa kẻ thống trị và người bị trị, hoàn toàn không phải là khái niệm của “kẻ thù gần đây”. Sự vận động ấy hướng tới một định chế hợp xu thế thời đại, hợp lòng dân hơn và vì vậy nó là sản phẩm của sự tiến bộ. Nó đồng thời cũng cảnh cáo mọi sự bảo thủ, hám quyền và chuyên quyền! Bước tiếp theo của chuyên quyền là độc quyền. Từ độc quyền đến độc đoán, độc tài, quân phiệt,… là một bước ngắn. Một học giả phương Tây đã khái quát những xã hội chuyên chế rằng: “Một đất nước kỳ lạ khi nó nhìn mọi sự thay đổi như một sự tấn công, mỗi biến chuyển như là một sự giật lùi và mọi sự thích nghi như những cuộc đầu hàng” (theo báo Gilles Delafon trích trong cuốn Hello Earth).

    Không một nhân dân nào chấp nhận sự chuyên chế và độc tài. Chuyên chế và độc tài là kẻ thù của nền dân chủ. Phan Bội Châu đã từng nói: “Không có dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập ;nhân dân còn thì nước còn. Nhân dân mất thì nước mất. Muốn xem nhân dân còn mất thế nào thì nhìn xem cái quyền của người dân còn mất thế nào?”

    Bình tâm nhìn lại, hôm nay người dân còn được quyền gì? Nhân dân có trăm tai nghìn mắt, không nhà cầm quyền nào đánh tráo được giữa sự bạo ngược và lòng nhân ái. Hồ Chí Minh đã từng lo sợ về một nhà nước mà ông là người sáng lập, đất nước ấy, dân chủ là kẻ thù của nền chuyên chính vô sản: “Các chú diễn giải hai tiếng dân chủ sao mà rắc rối, dài dòng thế?Dân chủ thực ra có nghĩa là: Để cho dân được mở miệng. Dân chủ là đừng bịt miệng dân.” Đúng, trong trường hợp này Hồ Chí Minh là một thiên tài. Ông tiên đoán chính xác sự bất bình thường của “đứa con” mà mình “mang nặng đẻ đau”.

    Và vì vậy hôm nay nếu có “Diễn biến hoà bình” thì đấy chính là sự chuyển hoá một cách ôn hoà trạng thái vô tổ chức, trên nói dưới không nghe, tình trạng cát cứ có dấu hiệu phục hồi, tham nhũng, mua quan bán chức,… từ hiện tượng đang trở thành bản chất của chế độ, lòng tin của dân với đảng cầm quyền suy giảm đến mức báo động, thì sự chuyển biến ấy chính là đại phúc cho nhân dân, chứ có gì mà phải… sợ? Và dẫu anh có sợ cũng không được. Hãy gia cố con đê trước khi nước tràn! Khi nước đã tràn thì có Thánh cũng chịu!

    Ổn định và trì trệ
    Tôi nay đã ngoài 70, không hề biết sợ chết,
    chỉ sợ trước khi chết mà vẫn phải nhìn đất
    nước như thời Vương An Thạch! Foto: IGFM
    Cái dễ của nhà cầm quyền là vui vẻ, là hài lòng trước quyền lực của mình ngày hôm nay, và mong xã hội ổn định mãi như ngày hôm nay để tiếp tục giữ quyền lực.

    Cái khó của nhà cầm quyền là dám nghe những phản biện và tự vượt lên chính mình ngày hôm nay để theo kịp sự chuyển hoá khách quan của xã hội – sự chuyển hoá cần thiết cho sự tồn tại và phát triển đất nước trong đó có mình và dòng họ mình. Điều ấy lý giải vì sao ngay cả thời phong kiến nhà vua vẫn phải chấp nhận “Giám sát ngự sử” bên cạnh mình. Thực tế chứng minh vương triều nào can đảm lắng nghe lời can gián, những lời “nghịch nhĩ” điều chỉnh phương pháp trị dân của mình thì xã hội lành mạnh hơn. Đấy mới là sự ổn định thực thông qua “Diễn biến hoà bình” chính tư duy của mình. Không ít nhà lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Việt Nam chưa nhận thức đúng học thuyết Marx về ổn định đồng nghĩa với trì trệ. “Thực chất cách mạng của phép biện chứng duy vật không dung hoà với bất cứ sự trì trệ và bất động nào, làm cho phép duy vật trở thành công cụ cải tạo thực tiễn xã hội, giúp tính toán một cách khách quan tới những yêu cầu lịch sử của sự phát trển xã hội, tình trạng những hình thức cũ không phù hợp với nội dung mới, sự cần thiết phải chuyển đến những hình thức cao thúc đẩy sự tiến bộ của loài người…” (Từ điển triết học – nxb VH TT 2002, tr 84).

    Hãy nhìn sự ổn định của xã hội Việt Nam và các nước theo chúng ta là không ổn định như Thái Lan, Nhật Bản,… thì ai cũng dễ đồng tình xã hội của họ vẫn phát triển vượt xa chúng ta nhiều, nhiều lắm.

    Chúng ta đánh đổ phong kiến, chúng ta đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đâu phải để xây dựng một xã hội ổn định theo kiểu không có phản biện hay phản biện giả. (Phản biện giả là phản biện có sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.) Có ai đó chê Hoàng đế Quang Trung là độc tài quân phiệt, nhưng tôi chưa thấy tài liệu nào nói Ông bắt giam, bỏ tù một ai mắc tội vu khoát. (Trong Chiếu cầu lời nói thẳng Quang Trung mong nhận được những lời nói thẳng, nói thực, không bắt tội vu khoát một ai).
    Vậy mà hôm nay chính tôi lại nhìn thấy bao nhiêu người yêu nước bị bắt, bị giam cầm chỉ vì yêu nước mà không chịu yêu CNXH, chỉ vì có chính kiến khác với chính thống. Trong thực tế Marx chưa bao giờ đồng nhất yêu nước và yêu CNXH! Và với CNCS, Marx cũng chỉ dám dự đoán thôi.

    Những nhà lãnh đạo hôm nay nên dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế để thấy phong kiến và đế quốc thối nát thực, nhưng chúng nó vẫn cho những người yêu nước, những người cộng sản ra báo tư nhân, lập nhà xuất bản tư nhân, dân được lập hội và biểu tình phản đối chúng nó. Năm 1925 Phan Chu Trinh từ Pháp về Sài Gòn, và sau đó không lâu ông tổ chức diễn thuyết lên án chính quyền. Năm 1925 cụ Phan có ít nhất 2 lần diễn thuyết ở Sài Gòn. Và ngày 26 tháng 3 năm 1926, khi ông qua đời, gần một nửa dân Sài Gòn đi dự đám tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh mà không ai bị bắt bớ, tù đày. 96 năm sau ngày cụ Phan ra đi vĩnh viễn, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm giữa thềm nhà hát Lớn Sài Gòn lên án Trung Quốc xâm chiếm biển đảo thuộc chủ quyền VN thì bị công an xua đuổi cùng nhiều trí thức tên tuổi như nguyên Viện trưởng Viện xã hội học Tương Lai, kiến trúc sư Trọng Huấn. Hai thể chế đối lập ấy, người dân thường cũng biết đối chiếu so sánh dễ dàng huống chi là những trí thức tầm cỡ như GS Hoàng Tuỵ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS Phan Đình Diệu, GS Ngô Bảo Châu, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Nguyễn Huệ Chi, GS Tương Lai, BS Huỳnh Tấn Mẫm, … để từ đấy lãnh đạo nhà nước hôm nay nên coi “Diễn biến hoà bình” hoàn toàn không phải là kẻ thù địch nào cả mà sự trì trệ trong chính những nhà lãnh đạo của Đảng CS, là phương sách chuyển hoá tư duy chính mình và chuyển đổi xã hội phù hợp quy luật khách quan thì tự khắc lòng dân lại thuận.

    Một thời chúng ta đã từng quy kết và dùng nhục hình dã man với bao nhiêu người có công với cách mạng, những dân oan vô tội, tôi mong những người nắm quyền lực hôm nay đừng đẩy những người yêu nước vào cái gọi là bọn thù địch “Diễn biến hoà bình” mà rơi vào những sai lầm đã khắc vào lịch sử trong quá khứ chưa xa những tội lỗi trời không dung đất không tha! (cụm từ của Nguyễn Trãi).

    Thay lời kết

    Tôi muốn gởi những dòng cuối này đến anh Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là đồng môn – tôi học trước anh hai khoá. Tuy là học một trường, nhưng tôi và anh có hai cách tiếp cận khác về CNXH. Tôi nghiêng về CNXH dân chủ của Lassall, còn anh theo CNXH bạo lực của Lénin. Nhưng tôi không nói chuyện đúng sai ở đây. Ở đây tôi chỉ mong với tư cách một người lãnh đạo Đảng, anh cố gắng giữ cho xã hội dưới thời anh trên dưới đồng lòng, coi dân làm trọng, xoá cách biệt giữa dân với Đảng, hết sức tránh dùng cường quyền và bạo lực đối với những người yêu nước khác chính kiến. Muốn vậy chính anh và những đồng chí của anh phải tự mình chuyển hoá tư duy hoặc là chấp nhận “Diễn biến hoà bình” (Không phải Diễn biến hoà bình theo định nghĩa của báo Điện tử ĐCS, mà theo truyền thống, hợp xu thế). Đấy là hai con đường ôn hoà nhất để xây dựng một xã hội lành mạnh và hợp quy luật khách quan.

    Tôi tin anh làm được bởi trước anh đã có Trường Chinh một thời thiên tả, cứng nhắc, rồi đã tự phủ định mình hôm qua. Thời ấy kinh tế thị trường là cụm từ cấm kỵ, đồng nghĩa với xét lại. Ai dính vào cái “mũ” này thì coi như cuộc đời chấm dứt. Nói như thế để thấy vai trò vô cùng quan trọng của cụ Trường Chinh. Tôi mong anh học tập cố TBT Trường Chinh và mới đây là Thein Sein – người vừa được báo Straits Times Singapore tôn vinh nhân vật của châu Á năm 2012.

    Bạn bè chúng ta thời đại học nói với tôi rằng kể từ khi anh lên chức TBT đã có hơn 50 người yêu nước bị làm khó dễ, bị bắt, bị giam cầm vì nhiều lý do vu vơ. Xã hội hôm nay dưới quyền anh làm tôi nhớ lại thời Nhân văn Giai phẩm ở trong nước thời hiện đại, và thời cổ đại Trung Hoa tôi lại nhớ thời Tống Thần tông, Vương An Thạch làm tể tướng. Vương là một người học rộng tài cao, một nhà thơ uyên thâm. Vậy mà dưới thời Vương An Thạch kẻ sĩ bị bắt, bị đi đày nhiều nhất. Một thi nhân như Tô Đông Pha chỉ vì không đồng chính kiến với Vương An Thạch mà gần suốt cuộc đời phải chịu đi đày, có lúc đói quá phải “hớp nắng” để đỡ đói trên đảo Hải Nam. Trên cái nền này tôi có viết cuốn “Thăng trầm Tô Đông Pha” (Nhà XB Văn nghệ TP HCM năm 2000) với hy vọng những nhà lãnh đạo VN hôm nay lấy đó làm bài học. Nhưng dường như người ta nghĩ nhiều về quyền lực và quyền lợi mà nhẹ về văn hoá – văn hoá đời Lê lấy chí nhân thay cường bạo, văn hoá đời Trần lấy khoan dung làm trọng.

    Tôi nay đã ngoài 70, không hề biết sợ chết, chỉ sợ trước khi chết mà vẫn phải nhìn đất nước như thời Vương An Thạch!

    Chắc anh thừa biết lịch sử không quên công lao một ai và lịch sử cũng không bỏ sót tội lỗi một ai.

    H.L.G.
    _______________________________________

    * Các bài khác của Nhà văn Hoàng Lại Giang, trên trang Ba Sàm: + Đôi lời gởi hai ông đại sứ TQ tại VN (25/1/2010); + BẢN CHẤT CỦA LỊCH SỬ (22/4/2010); + Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long …Nhìn lại (27/8/2010); + 344. Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi (11/9/2011); + 744. Từ Chiếu Lập học của hoàng đế Quang Trung nghĩ về nền giáo dục nước ta hôm nay (19/2/2012); + 1003. Không có gì quý hơn lòng yêu nước (18/5/2012); + 355. Trao đổi qua bài viết của Hoàng Lại Giang (13/9/2011).

    Theo blog Ba Sàm

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728