Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    “Giờ thứ 25″ hay là hội chứng tôn vinh thơ dở của Hội Nhà văn Việt Nam

    Trần Mạnh Hảo

    Trên trang blog của nhà văn Nguyễn Tường Thụy, ngày 17-01-2013, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức trong bài: “Thư ngỏ gửi Hội nhà văn về giải thơ năm 2012” nói về sự đạo văn trắng trợn của nhà thơ Phạm Đương, tác giả tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012: “Giờ thứ 25”, có viết như sau:
    “Tôi chính thức muốn nói cùng các vị: Giờ thứ hai mươi lăm” của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu, có trước cách đây nhiều thập kỷ. Tên sách là một thương hiệu tổng quát không thể bị đánh cắp một cách “trọn gói” như vậy. Thời buổi này, người ta cấp bằng sở hữu tên gọi, ngay cả hai cửa hàng cũng không có quyền mang tên giống nhau, nói gì hai tác phẩm?! Việc Hội Nhà văn trao giải cho tên gọi tập thơ này đủ thấy trình độ của các vị rất ấu trĩ, không chịu đọc sách gì cả, giống như sự ấu trĩ mới đây các vị đã giành cho Hoàng Quang Thuận với tập thơ thiền bịp thần bịp thánh. Tôi đề nghị phế truất giải thưởng của tập thơ này. Lý do, chúng ta không thể đạo văn vô văn hóa trắng trợn như vậy được. Nhà văn, nhà thơ phải là người có văn hóa và liêm sỉ.”
    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người xưa nay vốn có cảm tình với tác giả Phạm Đương, có vẻ cũng đồng tình với lời phản đối trên đây của anh Nguyễn Hoàng Đức:
    Nguyễn Trọng Tạo: Có người tiếc cho Phạm Đương đã “cóp” tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Giờ thứ 25” (The 25th hour) của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu để đặt tên cho tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn 2012 vừa được công bố. Tôi cũng nghĩ thế, vì đó là một ý tưởng độc đáo của… người khác.”
    Giờ thứ hai mươi lăm”. Photo VAOL file

    Tại sao ban sơ khảo của giải thưởng này toàn những nhà thơ nổi tiếng, và ban chung khảo gồm các nhà văn nhà thơ nổi tiếng hơn, chẳng lẽ chưa ai từng đọc một tác phẩm vào hàng kiệt tác thế giới: “Giờ thứ 25” của văn hào Rumania – một linh mục Chính thống giáo tên là C. Gheorghiu? Đây là cuốn tiểu thuyết có một tên gọi độc đáo nhất thế giới, không dễ có một ai chưa từng nghe tên cuốn sách này mà có thể sáng tạo ra tên gọi: “Giờ thứ 25”.

    Có người tò mò hỏi chúng tôi: hay là ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, người đang mang cái án đạo thơ nổi tiếng nhất xưa nay, coi việc đạo văn đạo thơ là một thành tích, nên khuyến khích xu hướng đạo…này chăng? Có người lại cho rằng, có thể ông chủ tịch muốn chơi khăm nhà thơ trẻ Phạm Đương, để anh này được giải rồi bị dư luận chê cười đạo tên sách, đặng chia lửa với ông, chứ cứ để mình ông mang tội đạo thơ nghe nó cô đơn lắm…

    Cứ đà này, vài ba năm tới, các nhà thơ trẻ lại chả thi nhau đạo tên các tác phẩm nổi tiếng thế giới làm tên trường ca của mình, mong giật giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Biết đâu, từ hiện tượng đạo tên sách nổi tiếng: “Giờ thứ 25” này, các trường ca nhái tên sách như: “Người thứ 41”, “Trăm năm cô đơn”, “Những người khốn khổ”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Ông già và biển cả” …sẽ ra đời để tiếp nối truyền thống đạo …của ngài chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam…Riết rồi, sẽ có một nền văn học ăn cắp ra đời làm rạng rỡ một dân tộc đang bị thế giới khinh như mẻ này hay sao?

    Năm ngoái, Hội nhà văn Việt Nam đã tôn vinh ba tập thơ dở nhất nước, bằng việc tặng cho chúng ba giải thưởng lớn, gồm: “Bầu trời không mái che” (Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà Văn), “Hoan ca” (Ðỗ Doãn Phương, NXB Hội Nhà Văn), “Ngày linh hương nở sáng” (Ðinh Thị Như Thúy, NXB Hội Nhà Văn).

    Đến nỗi, trong lễ trao giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN) năm nay, ngày 29-01-2013, ông Hữu Thỉnh cũng phải công nhận giải thưởng thơ năm ngoái “Chỉ có cách tân mà không có dân tộc”, tức là ông phủ nhận giải thưởng thơ năm ngoái là một giải thưởng mà HNVVN TÔN VINH CÁC TẬP THƠ DỞ…

    Xin xem danh sách các tên tuổi bị bệnh mù thơ, chỉ cần sờ con voi thơ, hô biến, để biến thơ dở thành thơ hay một cách hết sức vô trách nhiệm:

    DANH SÁCH 8/9 THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƠ LÀM NHIỆM VỤ SƠ KHẢO:

    1)- Nhà thơ BẰNG VIỆT
    2)- Nhà thơ NGÔ THẾ OANH
    3)- Nhà thơ INRASARA
    4)- Nhà thơ ĐẶNG HUY GIANG
    5)- Nhà thơ TRƯƠNG NAM HƯƠNG
    6)- Nhà thơ THI HOÀNG
    7)- Nhà thơ TUYẾT NGA
    8)- Nhà thơ TRẦN QUANG QUÝ (không tham gia bỏ phiếu vì có tác phẩm dự giải)
    9)- Nhà thơ NGUYỄN KHẮC THẠCH
    HỘI ĐỒNG CHUNG KHẢO:

    1. DANH SÁCH 9 ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH LÀM NHIỆM VỤ CHUNG KHẢO NĂM 2012:

    1)- Nhà thơ Hữu Thỉnh
    2)- Nhà văn Nguyễn Trí Huân
    3)- Nhà LLPB Lê Quang Trang
    4)- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
    5)- Nhà LLPB Phan Trọng Thưởng
    6)- Nhà văn Đào Thắng
    7)- Nhà văn Đình Kính
    8)- Nhà thơ Văn Công Hùng
    9)- Nhà văn Vũ Hồng

    Thưa ông Hữu Thỉnh, năm nay, giải thưởng thơ của các ông còn dở hơn giải thưởng thơ năm ngoái bội phần. Xin xem nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm chủ soái trường thơ Tân con cóc, ca ngợi “Giờ thứ 25” một cách vô lối, trơ trẽn, bịa đặt, vu vơ, ngớ ngẩn như sau:
    “Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương đặt chúng ta đứng vào giữa những hiện thực đời thường bề bộn, thô nháp và đầy thách thức của đời sống mà chúng ta đang sống. Và từ hiện thực đó mà đôi khi là những hiện thực nhỏ bé chúng ta ít để ý và có lúc bước qua, nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp cho dù đôi khi nó thật mong manh. Giờ thứ 25 là văn bản của những ngôn từ giản dị, trực diện, da diết và trắc ẩn, với kết cấu chặt chẽ và sự triển khai mạch lạc của mỗi đơn vị bài thơ cùng với sự dồn nén tối đa của cảm xúc đã tạo ra nhiều bất ngờ và đôi khi như một sự bùng nổ.”
    Chúng tôi muốn nói về một tập thơ đại dở, đại nhảm nhí là tập thơ: “Giờ thứ 25” làm xấu hổ tên kiệt tác văn xuôi mà nó ăn cắp.

    Xin các vị đọc một số bài thơ của tập thơ Phạm Đương, trích trong “Giờ thứ 25”, xem nó có thơ ở chỗ nào hay chỉ là một thứ văn nói năng xuống dòng gọi là tấu, lảm nhảm, vô duyên, gượng ép, dông dài, lăng nhăng, miên man khôn xiết kể:

    “BIỆN HỘ CHO NHỮNG GIẤC MƠ KHÔNG CÓ THẬT

    1.
    Có chiếc răng trắng khác thường trên hàm răng
    là chiếc răng giả
    mơ một hàm răng thật trắng
    nhưng không phải răng giả
    kem đánh răng Hynos quảng cáo cả trong giấc mơ
    răng trắng-không giả-kem Hynos
    vừa đánh răng vừa huýt sáo
    đó không phải là giấc mơ của những anh chàng Sơn Đông mãi võ
    đánh răng giả vừa huýt sáo thật
    lẩn thẩn với những chiếc răng
    tôi tự làm nghèo giấc mơ của mình

    2.
    Sáng nay nghe một chuyện không vui không buồn
    người đàn bà sáu mươi tuổi bất ngờ gặp lại người tình cũ
    trong trại an dưỡng thương binh nặng
    một gã du kích cách đây đã bốn mươi mốt năm
    bà thì nhận ra ngay còn ông thì lơ đễnh như kẻ xa lạ
    theo ký ức mù sương của bà thì họ đã một lần hôn nhau
    nhưng không dám bước qua lằn ranh ám ảnh về những cuộc kiểm điểm liên miên thời chiến
    quan hệ bất chính là cụm từ đã giết chết bao giấc mơ thiếu nữ
    trong đáy thẳm gã du kích năm xưa
    người ấy luôn luôn mười chín tuổi
    trinh trắng hơn mọi sự trinh trắng nếu như nụ hôn không bị khép vào tội bất chính
    làm sao quay ngược được kim đồng hồ thời gian
    để xé tan tành những cuộc họp vô bổ
    nhưng biết làm sao được
    những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dọc theo chiều dài bốn mươi mốt năm
    giấc mơ được thoải mái ôm nhau ngày hòa bình
    đã vĩnh viễn gửi lại cánh rừng mười chín tuổi
    đó là giấc mơ nặng nhọc nhất mà cả hai phải gồng gánh suốt chặng đường còn lại

    3.
    Con được vào đại học là giấc mơ của tất cả các bậc cha mẹ
    dù chúng vẫn thích chơi điện tử hơn là học chữ
    “mày không đỗ thì mày chết với tao
    còn tao sẽ chết nếu như mày đỗ!”
    chín mươi phần trăm dân số là nông dân
    luôn luôn đọc câu kinh trên đây trước ngày tiễn con ra trận
    con thi đỗ thì cha sẽ chết
    nhưng thà chết như thế may ra còn được sống
    nuôi giấc mơ được cày ải trên cánh đồng chữ
    vẫn dễ chịu hơn là cày trên mảnh ruộng đầy hóa chất và thuốc trừ sâu
    cày trên đất cằn khô được bón phân đểu
    hàng triệu đứa trẻ nông thôn luôn nuôi giấc mơ không có thật
    bằng những phép màu rạ rơm
    tôi từng mơ như các em
    bằng giấc mơ bo bo mì lát
    nào hãy mơ đi các bạn
    đừng sợ
    không ai đánh thuế giấc mơ bao giờ!

    4.
    Ngày lập hạ
    ba mươi chín độ năm chưa phải là con số cuối cùng mùa nắng nóng
    tôi nuôi giấc mơ Đà Lạt, Sa pa chạy dọc miền Trung
    bất ngờ điện cúp không báo trước
    mồ hôi trộn với cơn mơ
    mang hình chiếc tủ kem ngày không có điện
    lập hạ 2007

    BIÊN TẬP

    hình như là thừa một câu
    “anh yêu em”
    anh nghĩ, chiếc gối ngủ chiếc mền ngủ chiếc đèn thức
    đã mòn nhẵn mồ hôi sau hai mươi năm giường chiếu
    thì nói câu ấy làm gì
    và anh đọc lại
    rồi cắt!
    hình như là thừa bó hoa
    nhân ngày sinh nhật
    em đợi mòn mắt
    anh nghĩ, hai mươi năm mặt tối mày tắt
    gạo đong từng bữa mắm tính từng hào
    anh quen mua rau chứ mấy khi mua hoa
    hoa chi cho thừa
    và anh tự cắt!
    hình như là thừa một điều gì đó
    một chút quan tâm
    ánh nhìn âu yếm
    một lời hỏi han
    nửa câu thề hẹn
    anh nghĩ, những điều ấy thuở hai mươi năm trước thì được
    còn bây giờ tất tật đều thừa
    cắt!
    rồi một ngày em gom hết lại
    hoa tươi với yêu thương
    mắm muối và chiếu giường
    hỏi han và thề hẹn
    những gì anh cắt
    những gì anh vất vào sọt rác
    em restore
    lập tức
    anh bị đuổi khỏi chân biên tập!

    ĐÁM ĐÔNG CÓ LÚC

    có lúc
    anh giơ tay theo đám đông
    mà không cần hiểu
    nhất trí trăm phần trăm
    sau cú giật mình
    không giống một hai ba dzô trăm phần trăm
    đám đông ồn ào đám đông to tiếng
    đám đông lờ đờ đám đông chết lặng
    lúc nào cũng được nhân danh
    anh thành kẻ a dua
    anh thành kẻ té nước theo mưa
    anh thành người khác
    có ai ý kiến gì không?
    không!
    nhất trí trăm phần trăm
    cạn ly nhất trí
    bao năm anh lẫn vào đám đông
    lúc nào cũng sợ mà không biết mình sợ điều gì
    sợ cả sự lặng thinh lẫn những nơi to tiếng
    rồi một ngày
    anh thành đám đông lúc nào không hay
    một cánh tay chai sần một cánh tay tê liệt
    sau bao lần nhất trí
    nhất trí thứ gì
    không biết!”
    (hết trích thơ Phạm Đương)

    Nếu các vị hội đồng thơ, các vị Chủ khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tìm thấy các đoạn lảm nhảm hết sức dông dài, nói vớ vẩn linh tinh lang tang trên thơ ở chỗ nào, câu nào là thơ, tứ nào là thơ, người viết bài này sẽ chết liền à!

    Xin các vị độc giả chịu khó đọc nốt bài thơ mang tên của tập thơ, bài “Giờ thứ 25” xem nó là thơ hay là thứ bá láp gì:

    “GIỜ THỨ HAI LĂM
    Bỏ lại mọi toan tính phía sau lưng
    Anh có giờ thứ hai lăm khuya khoắt
    Giờ thứ hai lăm ngọt nhạt
    Giờ thứ hai nhăm bồn chồn
    Hai mươi bốn giờ đi qua nhìn anh bằng đôi mắt khác
    Một tên khùng trong bóng đêm
    Một gã rồ trước nến
    Viết thứ gì mà đêm nào cũng như ngồi thiền ?
    Chuyện gì mà mặt khô đăm đăm
    Chỉ có giờ hai lăm hiểu anh
    Vì sao mặt khó đăm đăm
    Vì sao ngồi thiền góc khuất
    Vì sao lúc thiên hạ cười vui thì anh ủ dột
    Vì sao em không có mặt
    Trong giờ thứ hai lăm mỗi ngày
    Anh chẳng đem lại gì cho em
    Trong giờ thứ hai lăm khuya khoắt
    Ngoài những câu thơ như khói thuốc
    Những câu thơ không nhiễm độc bao giờ…”

    Chao, cái gọi là thơ của cả tập “Giờ thứ 25” mới dừng lại ở thể nói, thể tấu, tuyệt nhiên không phải là thơ: phi hình ảnh, phi hình tượng, phi cảm xúc, phi khái quát, phi tư tưởng, phi nội hàm, phi ý tứ, phi hàm súc, cứ lấc cấc, nhâng nhâng nói toẹt ra mọi sự chẳng cần hàm xúc, dư ba...

    Phạm Đương mới dừng lại ở ý tưởng, ở các câu nói rời, lảm nhảm, dông dài, linh tinh, vớ vẩn, năng xuống dòng. Nó (thơ P. Đ.) như một thứ bản nháp mà ông vua lảm nhảm là Thanh Thảo vất đi, chợt Phạm Đương nhặt được đem in để lĩnh giải, theo tác giả Vũ Trường Giang trên VC + cho biết:
    “Nhưng Thanh Thảo cũng khoái cái ý rằng mình làm thơ, bài nào được ký tên Thanh Thảo, bài nào dở vất bố thí công chú em Phạm Đương cúc cung tận tụy cho nó nếm chút danh trên văn đàn. Dân Quảng Ngãi rỉ tai Phạm Đương là phó bản Thanh Thảo, Thanh Thảo 2, á Thanh Thảo là từ giai thoại này mà ra!”
    Nếu thơ như một nàng xinh đẹp thì tập thơ này của Phạm Đương mới là nàng thơ ở dạng xương cốt của một con ma. Nàng thơ “ Giờ thứ 25” than ôi, mới chỉ có bộ xương chưa có da thịt…Nó cần phải đưa vào bảo tàng để làm công cụ nhát ma con nít.

    Trao giải thưởng cho thứ thơ kinh hãi này là một cách để Hội nhà văn VN tuyên bố xử bắn cả nền thơ quốc doanh vậy..,.

    Sài Gòn ngày 6-02-2013
    © Trần Mạnh Hảo

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728