Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Một Nơi An Lành Cho Bác

    “… sử dụng xác chết Hồ Chí Minh cho ‘trò chơi biểu tượng’ phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị ích kỷ, ĐCSVN đã cố tình tấn công vào các giá trị thẩm mỹ, đạo đức của người Việt, vi phạm pháp luật, làm khổ thân xác của Hồ Chí Minh, xúc phạm nghiêm trọng phẩm giá, danh dự của người chết và người thân trong gia đình. Hãy chấm dứt trò chơi biểu tượng ngoại lai, phi pháp này! Lê Diễn Đức

    Ho Chi Minh – Frank Kozik
    Trong phần hậu từ của tác phẩm Chuyện Làng Ngày Ấy, nhà văn Võ Văn Trực đã cẩn thận ghi thêm đôi dòng ...trấn an:” Viết lại chuyện cũ, tôi hoàn toàn không có ý đồ xấu xa moi móc những sai lầm chúng ta đã vấp phải, để rồi đổ lỗi cho người này hoặc người kia, mà cốt để chúng ta đừng lập lại những sai lầm ấy – ‘Chúng ta’ không có nghĩa chỉ là thế hệ được chứng kiến sai lầm, mà tất cả mọi thế hệ mai sau.

    Từ sau đại hội Ðảng lần thứ VI, nhất là từ sau nghị quyết IV về văn hóa - xã hội của ban chấp hành trung ương Ðảng khóa VII, chúng ta thẳng thắn nhìn vào những sai lầm cũ và đề xuất phương hướng đi tới. Mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phục hồi. Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. Nhưng tình làng nghĩa xóm đã dần dần được hàn gắn, mọi người lại sống trong một cộng đồng đầm ấm, cùng bắt tay khôi phục những gì còn có thể khôi phục được. Các chi họ, các dòng họ đã sửa sang lại khu mộ của tiền nhân. Ðảng ủy xã, ủy ban nhân dân xã đã xây đài tưởng niệm liệt sĩ.

    Những lời “trấn an” thượng dẫn, tiếc thay, đã không mang lại kết quả như tác giả mong muốn. Bởi vậy, dù Chuyện Làng Ngày Ấy đã được giấy phép xuất bản nhưng sách chưa ra khỏi nhà in thì đã bị thu hồi, và bị “chôn sống” trong kho, với lệnh “niêm phong” vô thời hạn (*).

    Qúi vị phụ trách Ban Tư Tưởng & Văn Hoá, tất nhiên, có lý do để biện minh cho sự kiện rất vô văn hóa này. Đâu có ai ngây thơ tới cỡ tin rằng “Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. Nhưng tình làng nghĩa xóm đã dần dần được hàn gắn, mọi người lại sống trong một cộng đồng đầm ấm, cùng bắt tay khôi phục những gì còn có thể khôi phục được.

    Người ta có thể vực dậy một làng quê, một đất nước xác sơ tiêu điều trong trong mươi, mười lăm năm nhưng để khôi phục “mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộcđòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, chứ vài ba cái “nghị quyết về văn hóa - xã hội của ban chấp hành trung ương Ðảngthì kể như là đồ bỏ!

    Việc Đảng “phá trụi đền thờ, miếu mạo” đến độ “không còn gì để phục hồi” nữa đã để lại những tác hại về phương diện đạo đức - cũng như về tâm linh – ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Và ông Hồ Chí Minh hiện đang là một trong những nạn nhân khốn khổ, khốn nạn nhất, chứ chả phải là ai khác.

    Nguồn: Dân Làm Báo
    Sau khi lìa đời, thay vì được chôn cất tử tế, Hồ Chí Minh đã bị bỏ vào một cái lăng thâm u và lạnh lẽo – cùng với rất nhiều điều tiếng:

    - Thi sĩ Bút Tre:”Vào trong lăng Bác âm u. Chị em phụ nữ dở mũ ra chào.”

    - Giáo sư Trần Khuê và tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân: “... đề nghị Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn vắng về giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi… Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương tựa. Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo…”

    - Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh : “Tôi nghĩ một ngày nào đó, khi chúng ta vượt qua nỗi khiếp sợ của cái ngu và ác, tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy: chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành: LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM.”

    Nghe thấy ghê chết mẹ luôn. Hèn chi mà thằng chả vừa mới dứt lời thì đại gia Dũng Lò Vôi đã lật đật ôm bác Hồ bỏ liền vô chùa (Đại Nam Quốc Tự) cho nó chắc ăn.

    Tuổi Trẻ Online mô tả “Đại Nam quốc tự và khách sạn 5.000 phòng, gồm 1.000 phòng được thiết kế theo kiểu cung điện với giá 5-200 USD/phòng/đêm, 4.000 phòng còn lại có giá 5-30 USD/phòng/đêm.” Thiệt là quá đã. Đúng là Lạc Cảnh Đại Nam Quốc Tự. Chùa mà xây chung với chợ như vậy thì trước sau gì chị em ta ở bến Ninh Kiều, ở Đồ Sơn, ở Quế Lâm ... rồi cũng sẽ nườm nượp tề tựu về Bình Dương sống chung với Bác cho coi.

    Dù có tượng Phật (làm vì) bên trong chính điện, với cái thứ chùa chiền tào lao và uế tạp (với sở thú, khu ăn chơi, phòng ngủ và đĩ điếm kề bên) như thế, người Việt có tên gọi dành riêng cho nó là dâm từ.

    Dâm từ, theo Việt Nam Tự Điển – Khai Trí Tiến Đức là «đền thờ thần bất chính». Còn theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình - Tịnh Paulus Của (Imprimerie Rey, Curol & Cie : Sài Gòn 1895, trang 219) là miếu thờ yêu quái. Ở dâm từ, dân gian hay thờ cúng những… dâm thần!

    Nghe mà thấy ớn. Thảo nào, ngày 19 tháng 5 năm 2012 – nhân kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh của ông Hồ Chí Minh – sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã vội vã đưa Bác sang trời Âu lánh nạn. Sự kiện này được phóng viên của Đàn Chim Việt, thường trú tại Varsovie, tường thuật như sau:

    “Trong phần nghi lễ chính, đại sứ Nguyễn Hoằng và phu nhân đã cùng làm lễ hô thần nhập tượng chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nghi lễ, việc ‘mời’ linh hồn Hồ Chí Minh để nhập vào tượng trực tiếp từ Lăng trên quảng trường Ba Đình hay từ hang Pác bó, và Bác sang Ba Lan bằng phương tiện giao thông nào là một điều bí hiểm thuộc ‘bí mật ngoại giao’ mà ông Hoằng đại sứ giữ kín không tiết lộ.”

    Ông đại sứ và phu nhân trong nghi lễ nhập hồn vào tượng. Ảnh: ĐCV
    Ở một đất nước mà cái cột đèn (nếu) có chân cũng chạy luôn thì chuyện Bác phải đi tị nạn cũng không có gì là lạ. Chỉ có điều đáng phàn nàn là Bác ngồi chưa ấm chỗ thì đã có sự cố xẩy ra.

    Ở quê nhà, thiên hạ đang xôn xao về việc “Hồ Chí Minh sẽ làm thành hoàng tại các đình làng. Theo chỉ đạo của Quận ủy & UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý đình làng Phú Xá (làng Sù – phường Phú Thượng, Tây Hồ, HN) đưa tượng Hồ Chí Minh vào đình làng này để thờ cùng thành hoàng làng (vốn ngự ở đình đã gần 300 năm). Cũng theo chỉ đạo, 3 nhà sư trong trang phục Phật giáo đã sử dụng 1 đầu trâu và 3 bát máu tươi để cúng cho hồn tượng thêm ‘linh.’

    Dự buổi lễ khánh thành tượng Hồ Chí Minh ở đình làng vào sáng hôm sau có các quan chức: Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đại diện các ban ngành đoàn thể của quận, phường. Tổng giám đốc Khu đô thị Nam Thăng Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bao bì xuất khẩu (hai đơn vị tài trợ chính) đã tham dự. Giá trị bức tượng khoảng hơn 2 tỉ đồng.Tới đây, quận sẽ chỉ đạo các Ban quản lý đình làng trên địa bàn quận học tập và làm theo để phấn đấu mọi đình làng đều phải có tượng Hồ Chí Minh được thờ cùng thành hoàng làng.”


    Trên dương thế mâm nào mà không có Bác. Qua cõi khác, Bác lại tiếp tục bao thầu trọn gói và tuốt luốt khắp mọi nơi thì cũng tốt thôi. Tuy nhiên, tưởng cũng nên tìm hiểu thêm về ý nghĩa của hai thành hoàng (một cách đàng hoàng) chút xíu.

    Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có ghi như sau:

    “Thành hoàng (chữ Hán: 城隍) là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam. Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng & đều mang tính chất chung là hộ quốc tỳ dân (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó…
    Thành hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành…
    Các thứ hạng
    Cũng theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.
    Phúc Thần có ba hạng:
    • Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Đông thiên vương, Sóc thiên vương, Sử đồng tử, Liễu Hạnh công chúa...Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần.
    • Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.
    • Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.
    Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy bạ, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết...Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì...

    Bác, rõ ràng, thuộc loại “thần bậy bạ” nhưng chưa có danh xưng tên nên tôi mạo muội xin đề xuất gọi tên ngài là ... thần chết. Cũng theo Wikipedia:” Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 3 đến 5 triệu người Việt.” Nếu không có Bác, chắc chắn, đã không có hai cuộc chiến rất thần thánh và hoàn toàn không cần thiết vào thế kỷ vừa qua. Và ngoài Bác ra ai mà có đủ khả năng đẩy “từ 3 đến 5 triệu người Việt” vào ... chỗ chết?

    © Tưởng Năng Tiến
    Theo Tưởng Năng Tiến blog

    (*) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động ấn hành tháng 6 năm 1993. Nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản. Nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo. Tác phẩm này được in lại (năm 2006) bởi Tạp Chí Văn Học, ở California.

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728