Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Cái lưng còng người Việt

    Sự tình tồi tệ của tình trạng kinh tế khiến cho chất lượng đồng tiền liên tục suy giảm. Và nói đến câu chuyện thuế phí cao ở mức nhất nhì thế giới, không thể không nói đến yếu tố mang tính chất nguyên nhân: Chi ngân sách và nợ công gia tăng đến mức bất hợp lý.

    Lưng còng của mẹ Việt nam. Ảnh minh họa
    Câu chuyện thuế, phí “đổ lên đầu” người Việt Nam cao nhất khu vực, hơn cả Phi, In, Thái, Trung hàm chứa trong nó 2 sự mỉa mai khác: Phải đóng cao nhất khu vực cũng là cao nhất thế giới. Trong khi, theo lời TS Lê Đăng Doanh mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam thấp nhất so với Phi, In, Thái, Trung… Thấp nhất khu vực.

    Nếu tính toán trong phạm trù thu- chi, câu chuyện sẽ “thảm họa” hơn rất nhiều: Những thường dân có mức thu tồi tệ nhất nhì thế giới đang phải đóng thuế, phí cao và nhiều nhất nhì thế giới. Và sự cao, sự nhiều, không chỉ là chuyện hơn kém mà việc phải chịu “thuế lạm phát”, hàng năm ở mức hai con số - thì những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

    Cái lưng người Việt, nghĩ cho cùng, quả thật là dẻo dai.

    Nhớ lại trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 7-6, đại biểu QH Trần Du Lịch khẩn khoản xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20% khi khoản thuế, cũng cao nhất nhì thế giới này, đang được cho là chiếc kìm sắt bóp chết khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam, và hiện tại, đang giống như chiếc thòng lọng làm cho con số DN “chết mà không được chôn” đang liên tục gia tăng.

    Nhưng chuyện nói, rồi cũng chỉ là đàn gẩy tai trâu.

    Có hai ví dụ đang được nói đến như những câu chuyện thời sự kinh điển: Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Và Thuế thu nhập cá nhân.

    Hiện mỗi lít xăng dầu phải ở Việt Nam đang phải còng lưng gánh 12% thuế nhập khẩu, 10% thuế VAT, 1.000 đồng phí giao thông, 1.000 đồng trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, 200 đồng trích quỹ bình ổn. Và oái oăm nhất là 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, sự vô lý mà một tờ báo giật tít rằng: Xăng cũng bị đóng thuế như rượu. Tổng cộng, có đến 6.500 đồng thuế, phí, tức là gần 40% giá trị mỗi lít xăng nhà nước bán ra cho dân chúng. Nói câu chuyện lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng, vì thế, thật nực cười khi gần chín chục triệu người tiêu dùng đang còng lưng gánh gánh nặng ngân sách ngay từ việc giản dị nhất là sáng sáng cưỡi xe máy ra đường.

    Còn chuyện thuế thu nhập cá nhân, loại thuế lâu nay vẫn được coi là loại “bổ đầu dân chúng”, chẳng khác gì một thứ “thuế thân”- vẫn được bưng tai bịt mắt bằng những khẩu hiệu “đóng thuế là yêu nước”, hoặc tệ hơn - như lời phát ngôn của một quan chức Bộ Tài chính “Người nộp thuế không phàn nàn gì”.

    Ngoài chuyện thuế, phí bổ đầu dân, ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ và tỷ trọng chi tiêu công, một nguồn thu khác cũng được đề cập trong báo cáo chính thức của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Đó là việc “bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất”. “Về bản chất, việc làm này cũng giống như việc một cá nhân bán tài sản đi để chi tiêu. Khoản vay nợ của anh ta có thể giảm nhưng tài sản của anh ta cũng giảm tương ứng, tức là anh ta đã nghèo đi”.

    Người dân đang nghèo đi. Đó là một sự thật không thể chối bỏ. Trong tình trạng: Tăng trưởng liên tục giảm. Lạm phát liên tục tăng. Thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. Nợ công tăng cao. Sự tình tồi tệ của tình trạng kinh tế khiến cho chất lượng đồng tiền liên tục suy giảm. Và nói đến câu chuyện thuế phí cao ở mức nhất nhì thế giới, không thể không nói đến yếu tố mang tính chất nguyên nhân: Chi ngân sách và nợ công gia tăng đến mức bất hợp lý.

    Chừng nào sự bất hợp lý còn được nhìn nhận một cách lạc quan trong các báo cáo thì chừng đó, cái lưng của người dân Việt sẽ vẫn còn phải còng.

    © Đào Tuấn
    Theo blog Đào Tuấn

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728