Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Biển Đông và hình thức chiến tranh mới

    Năm ngoái, trên tờ Business Insider, có một bài viết rất ấn tượng, cứ đeo đẳng trong tâm trí tôi mãi: “Tại sao chiến tranh Trung Việt không thể tránh khỏi?” (Why A War Between China And Vietnam Is Inevitable).

    Trong bài viết ấy, tác giả, Dee Woo nhận định: một cuộc chiến tranh để giải quyết vấn đề lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam không thể không xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian và cách thức can thiệp của Mỹ. Lý do chính để tác giả đi đến nhận định ấy là: chủ quyền trên Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi của cả hai quốc gia. Nó quan trọng đến độ không ai có thể từ bỏ hay nhân nhượng được.

    Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận hồi
     năm 2011 ở Biển Đông
    Về phía Trung Quốc, càng ngày kho dự trữ dầu của họ càng giảm. Hiện nay mọi sinh hoạt của họ đều lệ thuộc vào hơn 50% số dầu nhập cảng từ ngoại quốc, trong đó, một nửa là từ Trung Đông. Tuy nhiên, cuộc cách mạng mùa xuân năm ngoái đã làm thay đổi tình hình, khiến nguồn dầu từ Trung Đông bị đối diện với khá nhiều bất trắc. Để sống còn, Trung Quốc phải tìm những nguồn cung cấp khác, nhất là trong tương lai, càng ngày kinh tế của họ càng phát triển và nhu cầu dầu khí lại càng lớn. Một trong những cái gọi là nguồn cung cấp khác ấy chính là ở Biển Đông: Nó vừa hứa hẹn một trữ lượng lớn vừa gần gũi; và nếu chiếm được, có thể sử dụng lâu dài và an toàn. Hơn nữa, cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng đang và sẽ đối diện với rất nhiều vấn đề chính trị trong nước. Một cuộc tranh chấp với nước ngoài sẽ có tác dụng nâng cao lòng yêu nước của dân chúng: Mọi bất mãn đối với chế độ sẽ biến thành căm thù đối với nước khác. Và nước ấy chính là Việt Nam.

    Về phía Việt Nam, có hai lý do chính: Thứ nhất, nguồn dầu khí ở Biển Đông chiếm đến 30% tổng sản lượng quốc gia. Mất nguồn dầu ấy, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị sụp đổ. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi, từ mấy năm gần đây, kinh tế Việt Nam càng ngày càng đi vào khủng hoảng: lạm phát rất cao, hệ thống ngân hàng nhà nước liên tục lỗ lã và thất thoát, nợ xấu càng ngày càng nhiều, đầu tư từ thế giới càng ngày càng giảm. Thứ hai, đối diện với những sự thất bại về kinh tế, xã hội và cả về chính trị, một lúc nào đó, nhà cầm quyền buộc lòng phải sử dụng những tranh chấp ở Biển Đông như một cách để lái sự quan tâm của dân chúng sang một hướng khác, ở đó, mọi phẫn nộ đều đổ dồn về phía Trung Quốc và người ta sẽ quên đi những xấu xa của chế độ; lòng yêu nước và tinh thần dân tộc sẽ thay thế sự bất mãn trước nạn tham nhũng và họa độc tài.

    Về phía Mỹ, sau khi giải quyết hoặc tạm giải quyết những tranh chấp ở Iraq và Afghanistan, họ quay trở lại với nền chính trị toàn cầu; ở đó, trong thời điểm hiện tại cũng như trong vài thập niên sắp tới, họ chỉ chịu một sự uy hiếp duy nhất: Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã bắt đầu uy hiếp vị thế siêu cường quốc kinh tế của Mỹ ở châu Á. Mậu dịch giữa Trung Quốc và khối ASEAN từ năm 2000 đến 2009 tăng gấp sáu lần, trong khi đó, quan hệ thương mại của Mỹ và các nước trong vùng đã không tăng, lại còn giảm. Mỹ cần trở lại châu Á để ngăn chận Trung Quốc và để duy trì các quan hệ chiến lược với các nước khác trong vùng. Muốn trở lại, họ cần một cái cớ. Những tranh chấp trên Biển Đông cung cấp cho Mỹ một cơ hội bằng vàng để vừa quay trở lại châu Á, vừa có thể nói đến tình hữu nghị, đến việc buôn bán dầu khí và buôn bán cả vũ khí với các nước khác.

    Có điều, khả năng Mỹ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam và Trung Quốc có lẽ sẽ rất ít. Họ muốn quay lại châu Á nhưng không hẳn để giúp Việt Nam. Quyền lợi của Mỹ trong việc duy trì quan hệ với Trung Quốc, dù sao vẫn lớn hơn việc giúp một nước nào đó, như Việt Nam, để đương đầu với Trung Quốc bằng vũ lực. Hơn nữa, trước mắt, Mỹ vẫn chưa thoát cuộc khủng hoảng kinh tế. Họ còn quá nhiều việc phải làm ngay trong nước của họ, nhất là trong hai lãnh vực nhân dụng và thương mại. Mỹ không bắt buộc phải hy sinh quá nhiều để cứu Việt Nam. Họ có thể sẽ phải làm như thế với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, những nước có hiệp ước quân sự với họ. Nhưng với Việt Nam thì không.

    Thành ra, với Trung Quốc, Việt Nam vẫn là chọn lựa hàng đầu để tấn công nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược về cả hai lãnh vực chính trị và kinh tế của họ.

    Viễn tượng chiến tranh Việt - Trung do See Woo vẽ ra không phải hoàn toàn phi thực. Thật ra, bất cứ người nào cũng có thể thấy được điều đó. Giới lãnh đạo Việt Nam, hơn ai hết, càng hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, để đối phó, lựa chọn của họ không nhiều. Chỉ có thể nằm trong ba trường hợp:

    Thứ nhất, bằng giải pháp chính trị, bao gồm cả phương diện pháp lý. Đó là điều họ hay nói đến nhiều nhất. Có vẻ như một giải pháp duy nhất. Nhưng không có giải pháp chính trị nào có thể thành hiện thực nếu không có thế và lực. Việt Nam đang đi tìm thế và lực ấy bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ của khối ASEAN và một số cường quốc hạng trung, từ Ấn Độ đến Úc. Nhưng ở khối ASEAN, với sự “phản phé” của Campuchia rõ ràng là họ đã thất bại. Trong tương quan lực lượng, ngay cả trong lãnh vực kinh tế, giữa Trung Quốc và các nước khác trong khối ASEAN hiện nay, không có cách gì người ta có thể thay đổi quan điểm và thái độ của chính phủ Campuchia được. Mà chỉ cần một nước bất đồng, sức mạnh của khối ASEAN trong việc đương đầu với Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa ngay. Bằng chứng của điều đó được thể hiện rõ trong hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN tại Campuchia vừa qua. Những nước khác, từ Úc đến Ấn Độ, Nga, Nhật, Hàn Quốc… đều, một, không phải là đối thủ của Trung Quốc; và hai, không có lý do gì để họ sẵn sàng vì Việt Nam mà công khai tuyên chiến với Trung Quốc cả. Kinh nghiệm chiến tranh ở Libya năm ngoái và tình hình Syria hiện nay cho thấy một điều: thế giới sẽ khoanh tay án binh bất động cho đến khi Mỹ quyết định tham chiến. Cho nên, dù Việt Nam có loay hoay đi tìm đồng minh ở đâu thì đồng minh quan trọng nhất vẫn là Mỹ. Tuy nhiên, con đường đến với Mỹ vẫn là một con đường đầy cam go và dài dằng dặc.

    Thứ hai, bằng giải pháp quân sự. Đây là điều chính phủ Việt Nam muốn chứng tỏ là họ đang chuẩn bị. Qua việc mua sắm các loại vũ khí mới, chủ yếu từ Nga. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, có mấy điều cần chú ý. Một, có mua sắm thêm đến mấy, kho vũ khí của Việt Nam cũng chỉ là hạt cát so với Trung Quốc hiện nay. Hai, đã ít về số lượng, Việt Nam lại không thể mua được các loại vũ khí hiện đại nhất do Mỹ sản xuất vì lệnh cấm vận trong lãnh vực quốc phòng vẫn chưa được tháo gỡ. Giới lãnh đạo Việt Nam, trong các cuộc tiếp xúc với quần chúng cũng giới trí thức, lúc nào cũng tìm cách trấn an bằng luận điệu: Họ đã có cách “trị” được Trung Quốc nếu chiến tranh bùng nổ. “Trị” bằng cách nào? Không ai nói cả. Người ta chỉ đem quá khứ ra thế chấp: trong thế kỷ 20 vừa qua, họ luôn luôn thắng trong mọi cuộc chiến tranh: thắng Pháp (1954), thắng Mỹ (1975), thắng Khmer đỏ (1978) và thắng cả Trung Quốc (1979). Lần này, cũng vậy, họ hứa hẹn: họ cũng sẽ thắng. Kết luận: “Đồng bào đừng lo; hãy để Đảng và nhà nước lo!”

    Tuy nhiên, đó chỉ là một lời nói dối.

    Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ khác hẳn về loại hình với các cuộc chiến tranh trước đây. Hầu hết các cuộc chiến tranh trước đây đều diễn ra trên đất liền. Bây giờ trận địa đã khác. Hầu hết các nhà bình luận quân sự đều cho, từ đầu thế kỷ 21 trở đi, lịch sử quân sự nhân loại chuyển sang một trang khác: trận địa chính sẽ là trên biển. Các cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới trong một hai thập niên vừa qua chủ yếu là cuộc chạy đua để trở thành những cường quốc trên biển với những tàu sân bay (hay: hàng không mẫu hạm), tàu ngầm, thủy phi cơ (seaplane), tên lửa (hỏa tiễn), v.v. Theo Robert D. Kaplan, trên báo Foreign Policy, nếu loại hình chính của chiến tranh thế kỷ 21 là trên mặt biển thì Biển Đông sẽ là điểm nóng nhất, nơi tập trung những mâu thuẫn gay gắt nhất và có thể là nơi sẽ diễn ra chiến tranh nhất.

    Trận địa thay đổi, đặc điểm và điều kiện chiến tranh thay đổi theo. Trên trận địa giữa biển cả ấy, Việt Nam hoàn toàn đánh mất tất cả những ưu thế vốn có và vốn được họ, nhất ở miền Bắc, tận dụng trong suốt nửa sau thế kỷ 20: một, rừng núi hiểm trở; hai, sự ủng hộ của dân chúng để một mặt, sẵn sàng tham gia các chiến dịch quân sự, nếu cần; mặt khác, sẵn sàng che giấu bộ đội để từ đó chiến thuật du kích có thể thực hiện được; và ba, sự dũng cảm của những người lính: họ bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh tính mạng để chống giặc. Trên đất liền, yếu tố con người là chủ đạo; trên biển, yếu tố kỹ thuật lại chiếm vai trò chủ đạo. Mà về kỹ thuật thì hiện nay Việt Nam hoàn toàn thua xa Trung Quốc.

    Hơn nữa, có một sự thật không nên quên: Từ đầu thập niên 1970 đến nay, Việt Nam đã từng đụng độ với Trung Quốc nhiều lần. Việt Nam thắng trên các mặt trận trên đất liền, nhưng với cả hai mặt trận trên biển, Việt Nam đều thua. Lần đầu, Việt Nam Cộng Hòa thua khi bị cướp mất Hoàng Sa vào năm 1974, và lần thứ hai, Việt Nam cũng lại thua Trung Quốc trên một số đảo và bãi đá ở Trường Sa (bao gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, v.v.) vào năm 1988.Nếu hai giải pháp chính trị và quân sự đều bế tắc, giới lãnh đạo Việt Nam chỉ còn giải pháp thứ ba: Đầu hàng hoặc bỏ chạy. Đầu hàng thì chắc sẽ khó sống sót với dân chúng. Biện pháp bỏ chạy có lẽ sẽ được “nghiên cứu” kỹ hơn. Để bỏ chạy, điều họ cần làm nhất là chuyển tiền ra nước ngoài. Càng nhiều càng tốt.

    Có khi họ chọn giải pháp ấy chăng?

    © Nguyễn Hưng Quốc / VOA Blog

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728