Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Phóng viên chiến trường VN qua đời

    Tin Associated Press, ngày 10 tháng 5, 2012

    Horst Faas, nhiếp ảnh gia AP, người đưa hình ảnh của chiến tranh Việt Nam đến với thế giới, qua đời

    NEW YORK - Là trưởng phòng nhiếp ảnh của hãng tin AP ở Sài Gòn trong 10 năm, bắt đầu từ 1962, nhiếp ảnh gia Horst Faas không những chỉ làm phóng sự chiến trường bằng ống kính mà ông còn tuyển dụng và đào tạo tài năng mới người nước ngoài và người Việt Nam.

    Kết quả là “Toán quân Horst” gồm các nhiếp ảnh gia trẻ, đã ra mặt trận với máy ảnh và phim do Faas cung cấp cùng với yêu cầu “ráng chụp những tấm hình đẹp.”

    Horst Faas tại chiến trường Việt Nam (1967)
    Nguồn ảnh: AP
    Ông và các biên tập viên nhiếp ảnh đã chọn và đưa hàng loạt hình ảnh những chiến sĩ ở mặt trận và thường dân miền Nam Việt Nam phấn đấu để sống còn trong cảnh loạn lạc.

    Faas, nhiếp ảnh gia chiến trường đã đoạt giải Pulitzer đã đưa ra tiêu chuẩn mới cho các phóng sự ảnh chiến tranh và trở thành một trong những phóng viên ảnh huyền thoại của thế giới trong gần nửa thế kỷ làm việc với AP, đã qua đời hôm thứ năm tại Munich, Clare Faas, con gái của ông, cho biết. Ông Faas thọ 79 tuổi.

    Một người gốc Đức, bắt đầu làm với hợp tác xã thông tin của Mỹ có trụ sở tại Đức vào năm 1956, Faas chụp ảnh chiến trường, các cuộc cách mạng, Thế vận hội Olympic và các sự kiện quan trọng khác.

    Tuy nhiên, ông đã được biết đến nhiều nhất khi làm việc tại Việt Nam, nơi ông bị thương nặng vào năm 1967 và đoạt được bốn giải thưởng ảnh lớn đầu tiên trong đó có hai giải Pulitzers.

    “Horst là một trong những tài năng tuyệt vời của thời đại chúng ta, một nhiếp ảnh gia can đảm và biên tập viên dũng cảm đưa ra một số hình ảnh cháy bỏng nhất của thế kỷ này,” Trưởng biên tập cuả AP, bà Kathleen Carroll nói. “Ông là một đồng nghiệp kỳ diệu và cũng là một người bạn chân tình và hào phóng.”
     

    Huỳnh Thành Mỹ tại chiến trường Việt Nam (1967)
    Nguồn ảnh: AP
    Trong số học trò hàng đầu của ông là Huỳnh Thành Mỹ, một diễn viên trở thành nhiếp ảnh gia người vào năm 1965 đã trở thành một trong bốn nhân viên AP và một trong hai người miền Nam Việt Nam trong số hơn 70 nhà báo thiệt mạng trong cuộc chiến tranh dài 15 năm.

    Em của phóng viên Huỳnh Thành Mỹ, Huỳnh Công “Nick” Út, theo anh làm việc với AP và dưới sự hướng dẫn cả ông Faas đã đoạt 1 trong 6 giải Pulitzer ảnh Chiến tranh Việt Nam cho hãng AP, với tấm hình biểu tượng chụp năm 1972 khai một bé gái Việt Nam bị bỏng nặng đang chạy trốn cuộc đánh bom napalm.

    Faas là một người lên kế hoạch tuyệt vời, có thể giựt tít báo bằng những dự đoán “không chỉ những gì vừa xảy ra nhưng còn những gì sắp xảy đến sau đó,” một trong những đồng nghiệp của ông nhận xét.

    (Từ trái) Richard Pyle, cựu Trưởng phòng AP Saigon, Horst Faas, và “Nick” Út (Paris, 2011)
    Nguồn ảnh: Michel Euler/AP
     Faas nổi tiếng là ông xếp khắt khe, và cầu toàn cũng đã miễn cưỡng nhận là mình giàu lòng nhân ái khi giúp đỡ những đồng nghiệp kém may mắn hay khi những công tác giúp ích khác. Ông đọc nhiều về lịch sử và văn hóa châu Á, và có một bộ sưu tập ấn tượng đồ sứ nhà Minh, đồ đồng và những vật quý khác.

    “Horst Faas là một người vĩ đại trong thế giới của hình ảnh báo chí với với sự cam kết đặc biệt để kể lại những câu chuyện khó khăn rất độc đáo và đáng chú ý,” ông Santiago Lyon, Phó Chủ tịch và Giám đốc nhiếp ảnh của AP nói.

    Ông Lyon cho biết: “Ông Faas là một tài năng đặc biệt về chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh chụp của của người khác và ngay cả trong các hoàn cảnh ác nghiệt nhất ông tìm cách sống tròn vẹn. Rất nhiều đồng nghiệp sẽ tiếc thương ông, đặc biệt là nhóm nhiếp ảnh gia đã cùng ông ghi lại hình ảnh chiến tranh Việt Nam.”

    Trong những năm cuối đời Faas đem kỹ năng đào tạo của mình vào một loạt các hội nghị quốc tế chuyên đề Báo Ảnh.

    Faas cũng đã giúp tổ chức các cuộc họp mặt của đoàn phóng viên báo chí Sài Gòn thời chiến, và ngã bệnh khi đang tham dự một một cuộc họp mặt tại Hà Nội ngày 04 Tháng Năm 2005.

    Ông đã phải nhập viện ở Bangkok và sau đó ở Đức, ở đó các bác sĩ xác định nguyên nhân của tình trạng tê liệt vĩnh viễn từ thắt lưng trở xuống và sự xuất huyết cột sống vì một loại thuốc tim làm loãng máu.

    Mặc dù phải ngồi xe lăn, ông tiếp tục tham dự các cuộc triển lãm hình ảnh và các sinh hoạt chuyên nghiệp khác, phần lớn ở châu Âu, và hợp tác xuất bản hai cuốn sách bằng tiếng Pháp - về sự nghiệp riêng của mình và của Henri Huet, cựu đồng nghiệp AP tại Việt Nam. Faas cũng đã thực hiện hai chuyến đi mệt nhọc đến Hoa Kỳ, trong năm 2006 và 2008.

    Sức khỏe của ông xấu đi vào cuối năm 2008. Faas phải nhập viện trong tháng hai để điều trị bệnh ngoài da, ông cũng phải qua phẫu thuật dạ dày.

    Chiến trường Việt Nam (1966)
    Nguồn ảnh: Horst Faas/AP
     Phóng sự ảnh về chiến tranh Việt Nam đã đoạt giải thưởng Robert Capa của Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại và giải Pulitzer đầu tiên vào năm 1965. Khi nhận giải tại New York, ông nói sứ mệnh của mình là để “ghi lại những khổ đau, cảm xúc và sự hy sinh của cả người Mỹ và người Việt Nam ... tại miền đất xa xôi thẫm máu này.”

    To lớn nhưng nhanh nhẹn, Faas đã ra mặt trận rất nhiều lần và vào ngày 6 Tháng Mười Hai năm 1967, đã bị thương ở chân do một quả phóng lựu tại Bù Đốp, ở Cao Nguyên của miền Nam Việt Nam. Ông có thể đã mất máu cho tới chết nếu không được hai binh sĩ cứu thương quân đội Mỹ băng bó kịp. Gặp lại ông Faas hai mươi năm sau, những người lính cứu thương nhớ lại sự kiện và nói, “Trông ông lúc đó đã xám ngắt tôi nghĩ rằng ông không sống được.”

    Phải đi nạng và bị giới hạn trong phòng làm việc, Faas là không thể làm phóng sự về các cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, nhưng ông đã điều hành phóng viên ảnh AP hoạt động như một tướng lãnh chỉ huy quân đội chống lại kẻ thù. Nhiếp ảnh gia AP Eddie Adams đã trở về với tấm hình nổi tiếng nhất của cuộc chiến, hình Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Việt Nam bắn một cán binh Việt cộng bị bắt trên đường phố Sài Gòn.

    “Thường thì chúng tôi phải vào sâu trong chiến trường nhưng đây là một trường hợp mà cuộc chiến đã đến ngay bên cạnh chúng tôi,” ông Faas nhớ lại.

    Ông thường cùng với phóng viên AP cũng đoạt giải Pulitzer, Peter Arnett, để phát hành các bài báo có tác động mạnh và độc quyền, chẳng hạn như câu chuyện năm 1969 của Đại đội A, một đơn vị đã ngần ngại trước lệnh tiến công chống địch. Ông Faas đã chứng kiến sự kiện “từ chối chiến đấu” trong khi đi đến nơi một trực thăng đã rơi làm thiệt mạng 7 binh sĩ Mỹ và phóng viên ảnh AP Oliver E. Noonan.

    Sinh ra ở Berlin vào ngày 28 Tháng Tư 1933, Faas lớn lên trong chiến tranh thế giới thứ II và như tất cả thanh niên nước Đức, ông đã bị buộc phải tham gia tổ chức Thanh niên Hitler. Nhiều năm sau, ông đã viết, những cuộc oanh kích của phe Đồng minh và “cảnh tượng hấp dẫn của đạn phòng không bay trên bầu trời” là một phần của đời sống thường ngày, và cũng như đã bị bắt buộc phải đứng nghiêm lắng nghe thông báo về cha hay anh của bạn cùng lớp đã chết cho fuehrer (lãnh tụ) và Tổ quốc.”

    Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, gia đình ông Faas chạy về phía bắc để tránh đoàn quân Nga đang tiến vào Berlin và hai năm sau đó đã thoát đến Munich ở Tây Đức.

    Trong thời gian chiếm đóng của Đồng minh sau Đệ nhị Thế chiến, 15 tuổi, Horst đã trở thành tay trống cho một ban nhạc jazz của những người lính Mỹ da đen tại Munich. Mới đây, khi được hỏi ông đã học trống ở đâu, ông nói, “Không biết thế nào, tôi cứ đánh trống thôi.”

    Năm 1960, ở tuổi 27 và đã là nhiếp ảnh gia cho AP bốn năm, Faas bắt đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường tại Congo, sau đó là Algeria. Năm 1962, ông được chỉ định công tác tại chiến trường ngày càng căng thẳng ở Việt Nam, nơi ông đã đến cùng một ngày như Peter Arnett.

    Faas đã một thời ở cùng một biệt thự tại Sài Gòn với phóng viên của tờ New York Times là David Halberstam, người nói về Faas, “Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai ở lại [Việt Nam] lâu hơn, đi vào chốn hiểm nguy nhiều hơn hay hết lòng với công tác và đòng nghiệp hơn ông Faas. Tôi nghĩ về ông không như một thiên tài.”

    Faas rời Sài Gòn vào năm 1970 để trở thành nhiếp ảnh gia lưu động, văn phòng ở Singapore, của AP tại châu Á, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông hợp tác với Peter Arnett [người New Zeland] đi một vòng nước Mỹ làm phóng sự dưới mắt nhìn của người nước ngoài; năm 1972 Faas tường trình về Thế vận hội tại Munich, tại đó ông đã chụp ảnh một tên khủng bố Palestine đeo mặt nạ trên ban công của tòa nhà nơi các lực sĩ Israel đang bị bắt làm con tin, chỉ vài giờ trước khi họ bị giết hại tại sân bay.

    Cùng năm đó, ông đã đoạt được giải thưởng Pulitzer lần thứ nhì, cùng với Michel Laurent, bằng loạt ảnh về sự tra tấn và hành quyết ở Bangladesh. Laurent sau này trở thành nhà báo thiệt mạng sau cùng trong chiến tranh Việt Nam, 48 giờ trước khi Sài Gòn thất thủ, vào ngày 30 Tháng Tư 1975, trong khi làm việc cho Hãng Báo Ảnh Gamma của Pháp.

    Năm 1976, Faas chuyển đến làm việc tại London như biên tập viên ảnh hàng đầu của AP tại châu Âu, cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2004.

    Ông là đồng biên tập “Requiem,” (Lễ cầu siêu) một cuốn sách năm 1997 viết về các nhiếp ảnh gia hai bên chết trận trong chiến tranh Việt Nam, và là đồng tác giả cuốn “Lost Over Laos,” (Mất tích tại Lào) một cuốn sách năm 2003 về 4 nhiếp ảnh gia bị bắn rơi ở Lào năm 1971 và cuộc đi tìm nơi máy bay rớt 27 năm sau đó.

    Ông Faas qua đời để lại vợ là bà Ursula, và con gái của ông.

    © DCVOnline






    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728