Tư tưởng lập hiến của Phan Chu Trinh [*]
ThS. Phan Đăng Thanh [**]
Phan Chu Trinh (1872-1926) là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu của cách mạng Việt Nam cận đại, một nhà tư tưởng lập hiến Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Ông là người làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cha làm Quản sở sơn phòng, sau tham gia Cần Vương. Lúc nhỏ Phan Chu Trinh theo cha học chữ và học võ. Năm 28 tuổi (1900), ông đỗ cử nhân, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu. Năm sau, ông đỗ Phó bảng, cùng khoa với Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy... Phan Chu Trinh được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ lễ, đến năm 1905 thì từ quan. Ông cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng vào Nam Kỳ tìm hiểu dân tình sĩ khí, tìm người đồng tâm, rồi ra Nghệ Tĩnh, Hà Nội, lên căn cứ Đề Thám và bí mật sang Hương Cảng gặp Phan Bội Châu, rồi cùng sang Nhật.
Năm đó, ở Nhật về, ông xác định đường lối cứu nước lâu dài của mình, phát biểu chính kiến và có một số hoạt động. Đầu năm 1908, nhân vụ chống thuế ở Quảng Nam, ông bị bắt ở Hà Nội và bị triều đình Huế kết án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (Giam chờ chém, đày ba ngàn dặm, gặp dịp ân xá cũng không cho về) rồi đày đi Côn Lôn. Năm 1910, Phan Chu Trinh được tha nhưng bị quản thúc ở Mỹ Tho. Theo yêu cầu của ông, thực dân Pháp đồng ý cho ông sang Pháp. Ở đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động theo đường lối mà ông đã tự xác định. Từ đó đến năm 1926 là năm Phan Chu Trinh mất ở Sài Gòn, cuộc đời ông là chuỗi ngày tranh đấu cách mạng không ngừng.
Tư tưởng lập hiến là một bộ phận trong tư tưởng cách mạng của Phan Chu Trinh, thể hiện qua các mặt chủ yếu sau đây:
1. Nước Việt Nam cần có Hiến pháp
Trong tư tưởng cách mạng của Phan Chu Trinh, ông thường đề cao hiến pháp, coi đó là công cụ pháp lý để hạn chế quân quyền độc tôn và hà lạm của chế độ quân chủ chuyên chế phương Đông. Ông nói: “lấy theo ý riêng một người hay một triều đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác gì một đoàn chiên, được ấm no vui vẻ hay là phải đói lạnh khổ sở, là tuỳ theo lòng rộng hay hẹp của người chăn chiên. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người...”[1].
Lấy mẫu mực là nền dân chủ ở nước Pháp lúc bấy giờ, ông phân tích quan hệ giữa Tổng thống và Nghị viện đặt trên cơ sở Hiến pháp. Chính Hiến pháp xây dựng và bảo vệ sự ổn định của chế độ dân chủ pháp trị: “Khi Tổng thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước hai viện ấy: “Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy, thì dân nó truất ngay. Trước thì có MacMahon, sau thì có Millerand bị cách chức cũng vì vi phạm hiến pháp”[2].
2. Về chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc
Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước lớn, đồng thời với Phan Bội Châu nhưng biện pháp cứu nước của hai ông không giống nhau, nhất là con đường thực hiện giành lại chủ quyền cho quốc gia, giải phóng dân tộc...
Nếu Phan Bội Châu yêu nước bằng chủ trương bạo động để giành độc lập, thì Phan Chu Trinh trái lại, ông phản đối chủ trương bạo động cách mạng và đi cầu viện nước ngoài để giành độc lập. Ông muốn nhờ vào chính quyền thực dân Pháp mà làm chính trị công khai để “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, để từ đó giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ trương cơ bản của Phan Chu Trinh là: “ỷ Pháp cầu tiến bộ” tức là dựa vào thực dân Pháp mà cầu tiến bộ để từ đó tranh đấu với Pháp về các mặt kinh tế, văn hoá, chính trị. Chủ trương ấy gọi là “Pháp- Việt đề huề”. Nhận xét về tư tưởng của Phan Chu Trinh, trong Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu đã viết: “Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế mà đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ (...) Cụ thì muốn đi theo lối dựa Pháp đánh đổ vua, tôi ưng đi theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là vì thế”[3].
Phan Chu Trinh đề xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân. Ông có ý định thiết lập ở Việt Nam một chế độ dân chủ tự trị. Tự trị nghĩa là tách khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Trong Pháp- Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Chu Trinh viết: “Tôi đã chủ trương tự trị, thế ắt cậy Pháp. Đã muốn cậy Pháp ắt không lợi dụng lòng dân oán Pháp (...) Tôi đã chủ trương cậy Pháp thì thủ đoạn không thể do tự trị mà ra. Tự trị cũng chẳng là việc dễ lắm đâu, việc hỏng ắt cũng chết...”[4].
Như vậy, chủ trương của Phan Chu Trinh là dựa vào Pháp để tự trị, còn Phan Bội Châu thì bài Pháp để độc lập. Mặc dù Phan Chu Trinh chưa có lần nào giải thích rõ ý nghĩa của chế độ “tự trị” ấy, nhưng qua con đường tranh đấu của ông cũng cho phép xác định được nội dung “tự trị” ấy là tự cai trị mình, tách khỏi sự thống trị của thực dân Pháp, tự trị cũng nguy hiểm như độc lập. Cho nên một tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương đã viết: “Mặc dầu khuynh hướng có vẻ khác nhau ở bên ngoài như thế, người ta vẫn phải công nhận rằng các hoạt động kia khớp với nhau chặt chẽ và đều nhằm mục đích cuối cùng là đánh đuổi người nước ngoài đi”[5].
3. Về chế độ chính trị
Phan Chu Trinh kịch liệt phản đối chế độ quân chủ mà ông gọi là “quân trị” và đòi thực hiện chế độ cộng hoà tư sản mà ông gọi là “dân trị”.
Ông giải thích “Quân trị chủ nghĩa tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì chẳng biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông minh, anh hùng, hiểu rõ cái sự quan hệ dân với nước là thế nào mà trừng trị những cái lũ tham quan, lại nhũng, để dân được yên lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh...”[6]. Ông cũng nói: “Nhân trị nghĩa là cái phép luật thi hành rộng rãi hay là nghiêm ngặt là tuỳ theo cái lòng vui, buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, còn phép luật tuy có cũng như không”[7].
Phan Chu Trinh cho rằng bên châu Âu, người ta đã thực hành từ lâu rồi chính thể “Quân dân cộng trị mà Tàu dịch là quân chủ lập hiến”, tức như chính thể “nước Anh, nước Bỉ, nước Nhật đang theo hiện nay”[8].
So sánh, ông khẳng định: “... cái chủ nghĩa dân trị hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều”[9], bởi vì “theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung mọi người. Lòng quốc dân muốn thế nào thì được thế ấy...”[10].
Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, Phan Chu Trinh đã viết “Thất điều thư” công kích trực diện chế độ quân chủ, định tội của Khải Định và hầu như kêu gọi quốc dân tuyên chiến để “nhổ đến tận gốc, lấp cho đầy nguồn, ra tay quét sạch sành sanh” vua, quan...
Phan Chu Trinh có đọc J.J. Rousseau, Montesquieu và sống nhiều năm ở Pháp, trong nhà của Phan Văn Trường- một trí thức tân học, lại cũng đã tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc và đã bị Chính phủ Pháp bắt giam một thời gian... Thế mà năm 1925, về Sài Gòn, ông giải thích quân chủ lập hiến ở châu Âu là “Quân dân cộng trị”, là bình đẳng theo lời dạy của Khổng Tử: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” tức là từ vua chí dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc[11]. Về chủ nghĩa dân chủ, ông lại lấy câu của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, nghĩa là dân quý hơn hết, lãnh thổ thứ nhì, vua là nhẹ. Rồi ông lại nói: “Đạo Khổng- Mạnh đã mất rồi, nay ta muốn nước ta có một nền đạo đức, luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ nghĩa dân chủ châu Âu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc tất thần hiệu dùng để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về, tức đem đạo Khổng- Mạnh về”[12]. Nếu chỉ đọc đoạn này thì có thể nghĩ đây là một cách nói để dễ thuyết phục tầng lớp nho học. Nhưng, gắn liền vào lời nói của Mạnh Tử về “dân vi quý”, ông đã viết: “Ngày nay, bên Đức, bên Pháp, bên Nga, tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả”[13].
Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười đối với Phan Chu Trinh còn rất ít, tư tưởng lập hiến của ông đi theo con đường dân chủ tư sản. Tuy nhiên, ông không bài bác chủ nghĩa xã hội. Dù biết Nguyễn Ái Quốc đã chọn con đường cứu nước khác mình, qua bức thư ngày 18/2/1922, ông vẫn khuyên Nguyễn Ái Quốc về nước để quảng cáo, tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác- Lênin để cứu nước: “Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Karl Marx), ông Lý Ninh (Lenin), nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh em rõ (...) Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự của mình, như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào”[14].
4. Về dân quyền
Phan Chu Trinh là người yêu nước lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng dân chủ tư sản qua tân thư. Con đường cứu nước của ông khác với Phan Bội Châu ở điểm cơ bản là ông chủ trương bãi bỏ chế độ quân chủ phong kiến, thực hiện dân chủ, khai thông dân trí, mở mang công, thương nghiệp. Không bạo động, không nhờ ngoại viện, mà nhờ vào chính quyền thực dân, vin vào những lời hứa hẹn của nhà cầm quyền để làm chính trị công khai, mưu dân quyền, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân. Cho nên, có thể nói lý tưởng dân quyền là tư tưởng căn bản quyết định hành động cách mạng của Phan Chu Trinh. Chủ trương xuyên suốt của ông là dựa vào “nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh của hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên tâm về mặt khai trí trị sinh, các việc thực dụng, dân trí đã mở rộng, trình độ ngày sẽ một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đây”[15].
Thơ văn Phan Chu Trinh tràn ngập tình thương yêu người dân bị áp chế, nghèo khổ và cực lực chống lại mọi kẻ quyền thế, giàu có, tàn ác...
“Nhớ vợ thương con, dạ nặng trì,
Lên non còi túc, lệnh đòi đi.
Ba quân hiệu giáp nghe vang cả,
Hai mối tình sâu rẽ sá chi.
Non nước trót vương cơn bấn loạn,
Cửa nhà đành chịu kiếp phân ly.
Gươm thiêng một lưỡi anh từ giả.
Giọt máu anh hùng luỵ nữ nhi”[16].
Hay
“Biết lấy chi chi trả ái ân,
Phần thời làng bắt nộp công ngân.
Đá vàng trơ đấy khôn đòi nợ,
Tiền bạc vơ đâu để rảnh thân.
Nghĩa mẹ ơn cha trời đất nặng,
Bán con đợ vợ tháng ngày lần.
Đắp đàng, đào suối, bòn vàng bể,
Khuấy khoả vì ai khổ kiếp dân”[17].
Trong thư gửi Toàn quyền Paul Beau (Đầu Pháp Chính phủ thư) tố cáo trước công luận trong và ngoài nước về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, Phan Chu Trinh đã kết luận theo hướng “Pháp- Việt đề huề” của ông như sau: “Nếu Chính phủ quả thật sẵn lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo toan việc dấy lợi trừ hại ở trong nước, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng quyền ăn nói cho thân sỹ, báo quán cho mở rộng để thông đạt tình dân, thưởng phạt cho nghiêm minh để khuyên răn quan lại, còn đến những việc đổi pháp luật, bỏ khoa cử, mở trường học, đặt toà tu thư, dạy lớp sư phạm, cho đến học công thương, học kỹ nghệ và các ngạch giúp việc cho Chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa?”[18].
Trong Thất điều thư gửi vua Khải Định (1922), Phan Chu Trinh cực lực công kích Khải Định và qua đó lên án chế độ quân quyền độc tôn, quân chủ chuyên chế, áp bức nhân dân.
Với tư tưởng và hành động ấy, khi Phan Chu Trinh qua đời, Huỳnh Thúc Kháng đã đọc trong buổi tang lễ lời nhận xét: “Chủ nghĩa tiên sinh là đánh đổ chuyên chế, là dân quyền tự do ...”[19].
5. Về cơ chế nhà nước và quản lý nhà nước
Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa là bài diễn thuyết cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Chu Trinh nói ở Sài Gòn vào năm 1925, trước khi ông qua đời (1926). Trong bài diễn thuyết này, ông đã tập trung trình bày về cái mẫu nhà nước lý tưởng cho Việt Nam tương lai khi công cuộc duy tân hoàn thành.
Mô hình lý tưởng theo Phan Chu Trinh là tổ chức nhà nước của các nước phát triển ở châu Âu lúc bấy giờ (như Anh, Pháp...). Tổng quát, nhà nước ấy được tổ chức và điều hành theo nguyên tắc cơ bản là “tam quyền phân lập”, với cơ chế 3 quyền độc lập với nhau: lập pháp giao cho Nghị viện; hành pháp đứng đầu là Giám quốc (Tổng thống) do Nghị viện bầu ra; và tư pháp giao cho các cơ quan xét xử độc lập đối với hai ngành kia. “Đó là theo cái lẽ ba quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đều riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào”[20].
Bộ máy nhà nước ấy bao gồm các bộ phận chủ yếu sau đây:
- Nghị viện: gồm có hai viện: Hạ nghị viện và Nguyên lão viện. Hạ nghị viện với số lượng Hạ nghị viên trên dưới 60 người, do dân trực tiếp bầu ra, có nhiệm vụ làm Hiến pháp và luật. “Số phận của nước Tây cầm ở trong tay cái viện ấy”[21]. Công dân từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền bầu cử, 25 tuổi trở lên có quyền ứng cử.
Nguyên lão viện không do dân bầu. Song viện này phối hợp với Hạ nghị viện để bầu chọn Tổng thống (Giám quốc) và nội các Chính phủ.
- Tổng thống và nội các: chức vụ Tổng thống (hay Giám quốc) đứng đầu ngành hành pháp do Nghị viện bầu ra với nhiệm kỳ 7 năm, bầu theo nguyên tắc đa số. Nếu nước có vua thì vua được truyền ngôi theo chế độ thế tập (cha truyền con nối).
Tổng thống được chọn trong số các thành viên của Nghị viện. Tổng thống được bầu xong phải tuyên thệ trước hai viện, đại khái rằng: “Cứ giữ theo Hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống lại đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân nó truất ngay”.
Chính phủ (nội các) do Nghị viện bầu ra, gọi là Quốc vụ viện. Nội các gồm khoảng 20 Bộ trưởng hoạt động tích cực trong trách nhiệm về lãnh vực chuyên môn của mỗi người (“chứ không phải ăn rồi ngồi không như các ông Thượng thư ở ta”)[22].
- Viện tư pháp: Viện này quản lý các quan chức xử án và công việc xét xử trong nước. Các quan xử án không phải do các quan cai trị (hành chính) kiêm nhiệm như ở xứ ta thời quân chủ mà là những người đã học thông thạo luật lệ. Cơ quan tư pháp có quyền xét xử cả thường dân lẫn chính phủ nữa. Tư pháp có quyền độc lập, khi xét xử, quan xử án chỉ tuân theo pháp luật và lương tâm của mình.
Ngoài ra, trong cơ chế quyền lực ấy, có những điểm đáng lưu ý sau đây:
+ Vai trò của đảng phái chính trị: theo Phan Chu Trinh, chế độ nhiều đảng cần thiết để đảm bảo chế độ dân chủ. Đảng đa số trong Nghị viện làm hậu thuẫn của Chính phủ, đồng thời thường xuyên có sự đối lập của đảng thiểu số. Nhờ đó tránh được những sai lầm: “Còn Chính phủ thì cũng bởi do 2 viện ấy mà ra. Nhưng mà phải giao quyền cho cái đảng nào chiếm số nhiều trong hai viện ấy thì mới được tổ chức Quốc vụ viện (...). Nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong Hạ nghị viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả, một đảng hữu, nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu nó xem xét, chỉ trích, cho nên muốn làm bậy cũng khó lắm”[23].
+ Vai trò của pháp luật: chế độ dân chủ pháp trị được xây dựng trên một nền pháp luật hoàn chỉnh, ổn định. Ông viết: “Dân trị tức là pháp trị”. Pháp luật định ra quyền hạn, nhiệm vụ của nhà cầm quyền, của từng chức vụ, cơ quan trong bộ máy nhà nước, từ người thấp nhất đến người cao nhất. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Phan Chu Trinh viết: “Nhưng mà thế nào mặc lòng, trong nước đã có pháp luật kỹ càng, cái quyền chính phủ có hạn định, khi nào vượt ra khỏi cái quyền hạn của mình thì không được, nên dẫu muốn áp chế cũng không biết thò ra chỗ nào. Vả lại, khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nấy, từ ông Tổng thống cho đến một người dân nhà quê cũng đều chịu theo pháp luật như nhau”[24]./.
© ThS. Phan Đăng Thanh
Luật sư Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh
[*] Nguồn: Nghiên cứu Lập pháp, số 7, tháng 8/2001.
[**] Hiện là TS. Công tác tại Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.
____________________
[1] Nguyễn Văn Dương, Phan Chu Trinh tuyển tập, Nxb. Đà Nẵng, 1995.
[2] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 815-816.
[3] Phan Bội Châu, toàn tập, Tập 6, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1990, tr. 116.
[4] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 543-541.
[5] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 44.
[6] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 807-808.
[7] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 809.
[8] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[9] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[10] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 817.
[11] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[12] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 784.
[13] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[14] Thu Trang, những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 175, 178.
[15] Huỳnh Thúc Kháng, Thu từ tùng thoại, Nxb. Nam Cường, Sài Gòn, 1951, tr. 176.
[16] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 269.
[17] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 270.
[18] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 354-355.
[19] Trần Văn Giàu, Hệ ý thức tư sản và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, 1975 tr. 437.
[20] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 817.
[21] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 825.
[22] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 816.
[23] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 816.
Theo Quốc Hội
Phan Chu Trinh (1872-1926) là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu của cách mạng Việt Nam cận đại, một nhà tư tưởng lập hiến Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Phan Chu Trinh (1872-1926). Photo OntheNet |
Năm đó, ở Nhật về, ông xác định đường lối cứu nước lâu dài của mình, phát biểu chính kiến và có một số hoạt động. Đầu năm 1908, nhân vụ chống thuế ở Quảng Nam, ông bị bắt ở Hà Nội và bị triều đình Huế kết án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (Giam chờ chém, đày ba ngàn dặm, gặp dịp ân xá cũng không cho về) rồi đày đi Côn Lôn. Năm 1910, Phan Chu Trinh được tha nhưng bị quản thúc ở Mỹ Tho. Theo yêu cầu của ông, thực dân Pháp đồng ý cho ông sang Pháp. Ở đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động theo đường lối mà ông đã tự xác định. Từ đó đến năm 1926 là năm Phan Chu Trinh mất ở Sài Gòn, cuộc đời ông là chuỗi ngày tranh đấu cách mạng không ngừng.
Tư tưởng lập hiến là một bộ phận trong tư tưởng cách mạng của Phan Chu Trinh, thể hiện qua các mặt chủ yếu sau đây:
1. Nước Việt Nam cần có Hiến pháp
Trong tư tưởng cách mạng của Phan Chu Trinh, ông thường đề cao hiến pháp, coi đó là công cụ pháp lý để hạn chế quân quyền độc tôn và hà lạm của chế độ quân chủ chuyên chế phương Đông. Ông nói: “lấy theo ý riêng một người hay một triều đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác gì một đoàn chiên, được ấm no vui vẻ hay là phải đói lạnh khổ sở, là tuỳ theo lòng rộng hay hẹp của người chăn chiên. Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người...”[1].
Lấy mẫu mực là nền dân chủ ở nước Pháp lúc bấy giờ, ông phân tích quan hệ giữa Tổng thống và Nghị viện đặt trên cơ sở Hiến pháp. Chính Hiến pháp xây dựng và bảo vệ sự ổn định của chế độ dân chủ pháp trị: “Khi Tổng thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước hai viện ấy: “Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy, thì dân nó truất ngay. Trước thì có MacMahon, sau thì có Millerand bị cách chức cũng vì vi phạm hiến pháp”[2].
2. Về chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc
Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước lớn, đồng thời với Phan Bội Châu nhưng biện pháp cứu nước của hai ông không giống nhau, nhất là con đường thực hiện giành lại chủ quyền cho quốc gia, giải phóng dân tộc...
Nếu Phan Bội Châu yêu nước bằng chủ trương bạo động để giành độc lập, thì Phan Chu Trinh trái lại, ông phản đối chủ trương bạo động cách mạng và đi cầu viện nước ngoài để giành độc lập. Ông muốn nhờ vào chính quyền thực dân Pháp mà làm chính trị công khai để “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, để từ đó giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ trương cơ bản của Phan Chu Trinh là: “ỷ Pháp cầu tiến bộ” tức là dựa vào thực dân Pháp mà cầu tiến bộ để từ đó tranh đấu với Pháp về các mặt kinh tế, văn hoá, chính trị. Chủ trương ấy gọi là “Pháp- Việt đề huề”. Nhận xét về tư tưởng của Phan Chu Trinh, trong Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu đã viết: “Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế mà đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ (...) Cụ thì muốn đi theo lối dựa Pháp đánh đổ vua, tôi ưng đi theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là vì thế”[3].
Phan Chu Trinh đề xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân. Ông có ý định thiết lập ở Việt Nam một chế độ dân chủ tự trị. Tự trị nghĩa là tách khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Trong Pháp- Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Chu Trinh viết: “Tôi đã chủ trương tự trị, thế ắt cậy Pháp. Đã muốn cậy Pháp ắt không lợi dụng lòng dân oán Pháp (...) Tôi đã chủ trương cậy Pháp thì thủ đoạn không thể do tự trị mà ra. Tự trị cũng chẳng là việc dễ lắm đâu, việc hỏng ắt cũng chết...”[4].
Như vậy, chủ trương của Phan Chu Trinh là dựa vào Pháp để tự trị, còn Phan Bội Châu thì bài Pháp để độc lập. Mặc dù Phan Chu Trinh chưa có lần nào giải thích rõ ý nghĩa của chế độ “tự trị” ấy, nhưng qua con đường tranh đấu của ông cũng cho phép xác định được nội dung “tự trị” ấy là tự cai trị mình, tách khỏi sự thống trị của thực dân Pháp, tự trị cũng nguy hiểm như độc lập. Cho nên một tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương đã viết: “Mặc dầu khuynh hướng có vẻ khác nhau ở bên ngoài như thế, người ta vẫn phải công nhận rằng các hoạt động kia khớp với nhau chặt chẽ và đều nhằm mục đích cuối cùng là đánh đuổi người nước ngoài đi”[5].
3. Về chế độ chính trị
Phan Chu Trinh kịch liệt phản đối chế độ quân chủ mà ông gọi là “quân trị” và đòi thực hiện chế độ cộng hoà tư sản mà ông gọi là “dân trị”.
Ông giải thích “Quân trị chủ nghĩa tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì chẳng biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông minh, anh hùng, hiểu rõ cái sự quan hệ dân với nước là thế nào mà trừng trị những cái lũ tham quan, lại nhũng, để dân được yên lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh...”[6]. Ông cũng nói: “Nhân trị nghĩa là cái phép luật thi hành rộng rãi hay là nghiêm ngặt là tuỳ theo cái lòng vui, buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, còn phép luật tuy có cũng như không”[7].
Phan Chu Trinh cho rằng bên châu Âu, người ta đã thực hành từ lâu rồi chính thể “Quân dân cộng trị mà Tàu dịch là quân chủ lập hiến”, tức như chính thể “nước Anh, nước Bỉ, nước Nhật đang theo hiện nay”[8].
So sánh, ông khẳng định: “... cái chủ nghĩa dân trị hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều”[9], bởi vì “theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung mọi người. Lòng quốc dân muốn thế nào thì được thế ấy...”[10].
Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, Phan Chu Trinh đã viết “Thất điều thư” công kích trực diện chế độ quân chủ, định tội của Khải Định và hầu như kêu gọi quốc dân tuyên chiến để “nhổ đến tận gốc, lấp cho đầy nguồn, ra tay quét sạch sành sanh” vua, quan...
Phan Chu Trinh có đọc J.J. Rousseau, Montesquieu và sống nhiều năm ở Pháp, trong nhà của Phan Văn Trường- một trí thức tân học, lại cũng đã tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc và đã bị Chính phủ Pháp bắt giam một thời gian... Thế mà năm 1925, về Sài Gòn, ông giải thích quân chủ lập hiến ở châu Âu là “Quân dân cộng trị”, là bình đẳng theo lời dạy của Khổng Tử: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” tức là từ vua chí dân đều phải lấy việc sửa mình làm gốc[11]. Về chủ nghĩa dân chủ, ông lại lấy câu của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, nghĩa là dân quý hơn hết, lãnh thổ thứ nhì, vua là nhẹ. Rồi ông lại nói: “Đạo Khổng- Mạnh đã mất rồi, nay ta muốn nước ta có một nền đạo đức, luân lý vững vàng, thì có gì hay bằng ta hết sức đem cái chủ nghĩa dân chủ châu Âu về. Chủ nghĩa dân chủ chính là một vị thuốc tất thần hiệu dùng để chữa bệnh chuyên chế của nước ta vậy. Đem văn minh Âu châu về, tức đem đạo Khổng- Mạnh về”[12]. Nếu chỉ đọc đoạn này thì có thể nghĩ đây là một cách nói để dễ thuyết phục tầng lớp nho học. Nhưng, gắn liền vào lời nói của Mạnh Tử về “dân vi quý”, ông đã viết: “Ngày nay, bên Đức, bên Pháp, bên Nga, tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả”[13].
Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười đối với Phan Chu Trinh còn rất ít, tư tưởng lập hiến của ông đi theo con đường dân chủ tư sản. Tuy nhiên, ông không bài bác chủ nghĩa xã hội. Dù biết Nguyễn Ái Quốc đã chọn con đường cứu nước khác mình, qua bức thư ngày 18/2/1922, ông vẫn khuyên Nguyễn Ái Quốc về nước để quảng cáo, tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác- Lênin để cứu nước: “Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Karl Marx), ông Lý Ninh (Lenin), nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh em rõ (...) Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự của mình, như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào”[14].
4. Về dân quyền
Phan Chu Trinh là người yêu nước lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng dân chủ tư sản qua tân thư. Con đường cứu nước của ông khác với Phan Bội Châu ở điểm cơ bản là ông chủ trương bãi bỏ chế độ quân chủ phong kiến, thực hiện dân chủ, khai thông dân trí, mở mang công, thương nghiệp. Không bạo động, không nhờ ngoại viện, mà nhờ vào chính quyền thực dân, vin vào những lời hứa hẹn của nhà cầm quyền để làm chính trị công khai, mưu dân quyền, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân. Cho nên, có thể nói lý tưởng dân quyền là tư tưởng căn bản quyết định hành động cách mạng của Phan Chu Trinh. Chủ trương xuyên suốt của ông là dựa vào “nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh của hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên tâm về mặt khai trí trị sinh, các việc thực dụng, dân trí đã mở rộng, trình độ ngày sẽ một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đây”[15].
Thơ văn Phan Chu Trinh tràn ngập tình thương yêu người dân bị áp chế, nghèo khổ và cực lực chống lại mọi kẻ quyền thế, giàu có, tàn ác...
“Nhớ vợ thương con, dạ nặng trì,
Lên non còi túc, lệnh đòi đi.
Ba quân hiệu giáp nghe vang cả,
Hai mối tình sâu rẽ sá chi.
Non nước trót vương cơn bấn loạn,
Cửa nhà đành chịu kiếp phân ly.
Gươm thiêng một lưỡi anh từ giả.
Giọt máu anh hùng luỵ nữ nhi”[16].
Hay
“Biết lấy chi chi trả ái ân,
Phần thời làng bắt nộp công ngân.
Đá vàng trơ đấy khôn đòi nợ,
Tiền bạc vơ đâu để rảnh thân.
Nghĩa mẹ ơn cha trời đất nặng,
Bán con đợ vợ tháng ngày lần.
Đắp đàng, đào suối, bòn vàng bể,
Khuấy khoả vì ai khổ kiếp dân”[17].
Trong thư gửi Toàn quyền Paul Beau (Đầu Pháp Chính phủ thư) tố cáo trước công luận trong và ngoài nước về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, Phan Chu Trinh đã kết luận theo hướng “Pháp- Việt đề huề” của ông như sau: “Nếu Chính phủ quả thật sẵn lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo toan việc dấy lợi trừ hại ở trong nước, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng quyền ăn nói cho thân sỹ, báo quán cho mở rộng để thông đạt tình dân, thưởng phạt cho nghiêm minh để khuyên răn quan lại, còn đến những việc đổi pháp luật, bỏ khoa cử, mở trường học, đặt toà tu thư, dạy lớp sư phạm, cho đến học công thương, học kỹ nghệ và các ngạch giúp việc cho Chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa?”[18].
Trong Thất điều thư gửi vua Khải Định (1922), Phan Chu Trinh cực lực công kích Khải Định và qua đó lên án chế độ quân quyền độc tôn, quân chủ chuyên chế, áp bức nhân dân.
Với tư tưởng và hành động ấy, khi Phan Chu Trinh qua đời, Huỳnh Thúc Kháng đã đọc trong buổi tang lễ lời nhận xét: “Chủ nghĩa tiên sinh là đánh đổ chuyên chế, là dân quyền tự do ...”[19].
5. Về cơ chế nhà nước và quản lý nhà nước
Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa là bài diễn thuyết cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Chu Trinh nói ở Sài Gòn vào năm 1925, trước khi ông qua đời (1926). Trong bài diễn thuyết này, ông đã tập trung trình bày về cái mẫu nhà nước lý tưởng cho Việt Nam tương lai khi công cuộc duy tân hoàn thành.
Mô hình lý tưởng theo Phan Chu Trinh là tổ chức nhà nước của các nước phát triển ở châu Âu lúc bấy giờ (như Anh, Pháp...). Tổng quát, nhà nước ấy được tổ chức và điều hành theo nguyên tắc cơ bản là “tam quyền phân lập”, với cơ chế 3 quyền độc lập với nhau: lập pháp giao cho Nghị viện; hành pháp đứng đầu là Giám quốc (Tổng thống) do Nghị viện bầu ra; và tư pháp giao cho các cơ quan xét xử độc lập đối với hai ngành kia. “Đó là theo cái lẽ ba quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đều riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào”[20].
Bộ máy nhà nước ấy bao gồm các bộ phận chủ yếu sau đây:
- Nghị viện: gồm có hai viện: Hạ nghị viện và Nguyên lão viện. Hạ nghị viện với số lượng Hạ nghị viên trên dưới 60 người, do dân trực tiếp bầu ra, có nhiệm vụ làm Hiến pháp và luật. “Số phận của nước Tây cầm ở trong tay cái viện ấy”[21]. Công dân từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền bầu cử, 25 tuổi trở lên có quyền ứng cử.
Nguyên lão viện không do dân bầu. Song viện này phối hợp với Hạ nghị viện để bầu chọn Tổng thống (Giám quốc) và nội các Chính phủ.
- Tổng thống và nội các: chức vụ Tổng thống (hay Giám quốc) đứng đầu ngành hành pháp do Nghị viện bầu ra với nhiệm kỳ 7 năm, bầu theo nguyên tắc đa số. Nếu nước có vua thì vua được truyền ngôi theo chế độ thế tập (cha truyền con nối).
Tổng thống được chọn trong số các thành viên của Nghị viện. Tổng thống được bầu xong phải tuyên thệ trước hai viện, đại khái rằng: “Cứ giữ theo Hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống lại đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân nó truất ngay”.
Chính phủ (nội các) do Nghị viện bầu ra, gọi là Quốc vụ viện. Nội các gồm khoảng 20 Bộ trưởng hoạt động tích cực trong trách nhiệm về lãnh vực chuyên môn của mỗi người (“chứ không phải ăn rồi ngồi không như các ông Thượng thư ở ta”)[22].
- Viện tư pháp: Viện này quản lý các quan chức xử án và công việc xét xử trong nước. Các quan xử án không phải do các quan cai trị (hành chính) kiêm nhiệm như ở xứ ta thời quân chủ mà là những người đã học thông thạo luật lệ. Cơ quan tư pháp có quyền xét xử cả thường dân lẫn chính phủ nữa. Tư pháp có quyền độc lập, khi xét xử, quan xử án chỉ tuân theo pháp luật và lương tâm của mình.
Ngoài ra, trong cơ chế quyền lực ấy, có những điểm đáng lưu ý sau đây:
+ Vai trò của đảng phái chính trị: theo Phan Chu Trinh, chế độ nhiều đảng cần thiết để đảm bảo chế độ dân chủ. Đảng đa số trong Nghị viện làm hậu thuẫn của Chính phủ, đồng thời thường xuyên có sự đối lập của đảng thiểu số. Nhờ đó tránh được những sai lầm: “Còn Chính phủ thì cũng bởi do 2 viện ấy mà ra. Nhưng mà phải giao quyền cho cái đảng nào chiếm số nhiều trong hai viện ấy thì mới được tổ chức Quốc vụ viện (...). Nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong Hạ nghị viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả, một đảng hữu, nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu nó xem xét, chỉ trích, cho nên muốn làm bậy cũng khó lắm”[23].
+ Vai trò của pháp luật: chế độ dân chủ pháp trị được xây dựng trên một nền pháp luật hoàn chỉnh, ổn định. Ông viết: “Dân trị tức là pháp trị”. Pháp luật định ra quyền hạn, nhiệm vụ của nhà cầm quyền, của từng chức vụ, cơ quan trong bộ máy nhà nước, từ người thấp nhất đến người cao nhất. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Phan Chu Trinh viết: “Nhưng mà thế nào mặc lòng, trong nước đã có pháp luật kỹ càng, cái quyền chính phủ có hạn định, khi nào vượt ra khỏi cái quyền hạn của mình thì không được, nên dẫu muốn áp chế cũng không biết thò ra chỗ nào. Vả lại, khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nấy, từ ông Tổng thống cho đến một người dân nhà quê cũng đều chịu theo pháp luật như nhau”[24]./.
© ThS. Phan Đăng Thanh
Luật sư Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh
[*] Nguồn: Nghiên cứu Lập pháp, số 7, tháng 8/2001.
[**] Hiện là TS. Công tác tại Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.
____________________
[1] Nguyễn Văn Dương, Phan Chu Trinh tuyển tập, Nxb. Đà Nẵng, 1995.
[2] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 815-816.
[3] Phan Bội Châu, toàn tập, Tập 6, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1990, tr. 116.
[4] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 543-541.
[5] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 44.
[6] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 807-808.
[7] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 809.
[8] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[9] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[10] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 817.
[11] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[12] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 784.
[13] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 783.
[14] Thu Trang, những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 175, 178.
[15] Huỳnh Thúc Kháng, Thu từ tùng thoại, Nxb. Nam Cường, Sài Gòn, 1951, tr. 176.
[16] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 269.
[17] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 270.
[18] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 354-355.
[19] Trần Văn Giàu, Hệ ý thức tư sản và sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, 1975 tr. 437.
[20] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 817.
[21] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 825.
[22] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 816.
[23] Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 816.
Theo Quốc Hội
Không có nhận xét nào