Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Và họ lẳng lặng nhìn Công giáo Phật giáo đấu nhau

    Vũ Quý Hạo Nhiên

    Ba nhân vật Công giáo nổi tiếng lên truyền hình tại Quận Cam đả kích những nhân vật Phật giáo nổi tiếng. Phía Phật giáo chỉ trích lại. Một lần, hai lần, ba bốn lần, chưa hết, mà kéo dài hàng mấy tháng trời.

    Giặc Thầy Chùa, cẩm nang lý luận của
    nhóm cực đoan.
    Trong khi đó, các lãnh đạo tôn giáo khác, giới chính trị gia, các bình luận gia, những người bình thường ăn nói rất mạnh bạo về những chuyện bất công xảy ra cách nửa vòng trái đất, thì lại im lặng đối với cuộc tranh chấp chia rẽ tôn giáo xảy ra ngay sát nách mình.

    Tôi sẽ kể sơ về chuyện xảy ra, nhưng rồi sẽ nhấn mạnh tới sự im lặng này.

    Nhân vật mở đầu vụ này là Giáo sư Dương Đại Hải, một người Công giáo từng đắc cử vào Ban Đại diện Cộng đồng, có chương trình truyền hình phát sóng tại Quận Cam. Ông kêu gọi gây quỹ dựng đài tưởng niệm Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chẳng mấy chốc, chuyện gây quỹ và tôn vinh Ngô Tổng thống lan qua chuyện tố cáo giới sư sãi Phật giáo là gián điêp cộng sản, gián tiếp giết hai anh em tổng thống.

    Trong lập luận này, ông Hải được sự tiếp tay của cựu Thiếu tướng Lý Tòng Bá, từng tham chiến trận Ấp Bắc, và cựu Thiếu tá Liên Thành, từng là Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh Thừa Thiên thời Tết Mậu Thân. Những lời tố cáo của họ được lấy từ bộ sách “Giặc thầy chùa” của tác giả Đặng Văn Nhâm, trong đó tất cả những tên tuổi lớn trong đạo Phật của miền Nam Việt Nam đều bị cho là gian dâm, tham lam, và nằm vùng cho cộng sản.

    Trong đoạn video dưới đây chẳng hạn, ông Hải và ông Thành cho rằng toàn bộ Văn phòng 2 (tức văn phòng hải ngoại) Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất đều là Việt gian. Giáo hội PGVNTN là giáo hội Phật giáo bị nhà nước Việt Nam cấm, trụ sở hải ngoại của giáo hội này đặt tại chùa Điều Ngự, ngay Little Saigon.



    Những lập luận này được đưa lên trong cả tháng, chùa Điều Ngự mới tổ chức họp báo chống lại. Cuộc họp báo lại yếu ớt, không đưa ra hành động nào cụ thể, khiến phía ông Hải càng cho là mình đúng, thừa dịp tiến tới tấn công thêm. Tấn công tới Hòa thượng Thích Quảng Đức thì các sư khác, không thuộc chùa Điều ngự, cũng phải lên tiếng. Từ đó cuộc đấu khẩu ngày càng nặng. Vào cuối năm, các nhà sư tổ chức thêm một cuộc họp báo gấp rút, chọn đúng ngày Giáng Sinh.

    Trong video dưới đây, Hòa thượng Thích Quảng Thanh so sánh việc công kích HT Thích Quảng Đức tự thiêu với việc “nếu” có người mang 117 vị thánh tử đạo “của quý vị” ra để xúc phạm, và đặt câu hỏi tại sao bao nhiêu bạn bè và đồng đạo của bộ ba Dương Đại Hải – Lý Tòng Bá – Liên Thành không can ngăn.



    Hòa thượng Thích Quảng Thanh được sự ủng hộ của Đoàn Trọng, một biểu tình gia của Little Saigon và hiện phụ trách một chương trình trên truyền hình. Mới đây, hôm 4/1, khi nhóm Dương Đại Hải – Lý Tòng Bá – Liên Thành tổ chức tiệc kỷ niệm sinh nhật TT Diệm, Đoàn Trọng kêu gọi biểu tình trước nhà hàng này. Ngay sau đó, nhóm biểu tình bị ông Hải lên truyền hình gọi là Việt Cộng và chỉ trích việc biểu tình chống lễ sinh nhật TT Diệm.

    Im lặng thở dài

    Trong khi hai bên đấu đá nhau rùm beng như vậy, dai dẳng suốt mấy tháng trời, thì mọi người khác bàng quan nhìn. Không thích, nhưng cũng không nói gì hết trước sự sỉ nhục tôn giáo, chia rẽ công khai trong cộng đồng. Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tổ chức gồm tu sĩ và lãnh tụ người Việt của 5 tôn giáo: Im lặng. Phía Công giáo, ngoài một giáo dân từng làm báo Công giáo xuất hiện trên truyền hình cùng với HT Thích Quảng Thanh: Im lặng. Trên báo chí, phát thanh, truyền hình, các bình luận gia bình thường rất hăng hái bảo vệ quyền tự do tôn giáo, và cụ thể là Giáo hội PGVNTN tại Việt Nam, nay chứng kiến tận mắt cuộc đấu đá liên quan thắng tới giáo hội này thì: Im lặng.

    Có thể họ cho rằng nếu không ai nói gì thì mọi việc sẽ êm? Nếu vậy cuộc cãi vã kéo dài hơn 4 tháng chứng tỏ giải pháp “đừng nói gì” đã thất bại.

    Hội đồng Liên tôn, tê liệt trước cuộc đấu đá tôn giáo.
    Hay họ cho rằng nói ra thì chỉ vạch áo cho người xem cộng đồng chia rẽ tôn giáo? Trong thời đại internet này, không cần vạch người ta cũng thấy: Những video và trang web của cả hai bên (nhưng bên chống GHPGVNTN có vẻ nhiều hơn) nhan nhản khắp internet. Ngay cộng sản tại Việt Nam với hệ thống tường lửa dày đặc còn không ngăn chặn được thông tin, thì sự im lặng cũng sẽ không đạt được kết quả đó.

    Sự im lặng này, tuy lạ lùng, nhưng thực ra rất quen thuộc. Trong suốt 37 năm nay tỵ nạn, cứ mỗi lần có ai bị chụp mũ cộng sản, thì chỉ có người bị chụp mũ có muốn nói thì nói, chứ không có người tai to mặt lớn nào dám lên tiếng theo. Ngay từ năm 1988, khi nhà văn Duyên Anh bị du côn nhân danh chống cộng đánh tới mức hôn mê trong bệnh viện, Văn bút Hải ngoại cũng lặng im.

    Nón cối dễ chụp

    Không phải vì họ không ủng hộ. Ở chỗ riêng tư, hoặc sau khi sự việc đã lui vào quá khứ, họ đều chỉ trích sự chụp mũ, nhưng không nói công khai. Cá nhân tôi nhận xét thấy tất cả những người ủng hộ ngầm này đều có chung hai lý do: Thứ nhất, không phải họ không muốn ủng hộ nạn nhân, nhưng họ sợ nhũng kẻ chụp mũ. Thứ nhì, họ cho rằng lên tiếng không mang lại cái lợi gì.

    Họ chia sẻ những quan niệm như ”Tránh voi chẳng xấu mặt nào,” và “đừng dây với hủi.” Cộng sản ở xa thì không ai sợ, chứ “cộng đồng” (trong ngoặc kép) thì ở ngay sát nách, léng phéng coi chừng bị ăn nón cối.

    Thích Quảng Đức. Cộng sản?
    Họ cũng cho rằng có lên tiếng cũng không ăn thua gì. Những biểu tình gia chuyên nghiệp này không phải là người biết nghe lý lẽ, nói chi cho hao nước miếng!

    Tức là, trong cái cân nhắc lợi hại, người ta thấy rằng bên hại là khá cao – không ai muốn bị chủi tục, bị gọi là cộng sản, bị gọi là bưng bô, là Việt gian, là ma cô đĩ điểm, tuần này qua tuần khác. Bên lợi thì không thấy gì có lợi cho người lên tiếng, mà có nói cũng bằng thừa không thay đổi được gì.

    Lối suy nghĩ đó có thể chính là lý do không ai nhảy vào chặn cuộc tranh chấp tôn giáo đang diễn ra hiện nay.

    Nếu nghĩ vậy, thì theo tôi, là sai lầm. Đúng là ai lên tiếng can ông Giáo sư Dương Đại Hải chẳng hạn, người đó rất có thể sẽ bị quy là cộng sản, là Việt gian, là tay sai này nọ. Ở phía hại, tôi đồng ý là cái hại có thể lên cao.

    Nhưng cái lợi cũng cao nữa. Đừng nghĩ là không thay đổi được gì những người như Dương Đại Hải, Liên Thành, Lý Tòng Bá, mà cho là không có lợi. Vì đó không phải là mục tiêu. Ba người này có đổi ý hay không, không là vấn đề.

    Cái lợi, là lợi cho cộng đồng. Cái thay đổi, là sự thay đổi cộng đồng và thay đổi cái nhìn đối với cộng đồng. Những chuyện chia rẽ này, có xứng đáng để chi phối cộng đồng không? Chống cộng có đồng nghĩa với chụp mũ không? Những sự sỉ nhục tôn giáo, chụp mũ, có phải là chính nghĩa quốc gia không? Tướng Lý Tòng Bá, Thiếu tá Liên Thành, Giáo sư Dương Đại Hải, với những chức tước như thế, có phải là “cộng đồng” không?

    Để nói không với những câu hỏi này, không thể chỉ ngồi trong chỗ kín rồi lắc đầu. Cái gì người ta không thấy, là coi như không có. Phải lên tiếng.

    Phải lên tiếng, để nói rằng cộng đồng này không chia rẽ tôn giáo, không chụp mũ “Việt gian” vô tội vạ. Phải lên tiếng, để chứng minh là nhưng kẻ gây nên những trò đấu tố này chỉ là một thiểu số rất nhỏ, chứ không phải là “cộng đồng” như họ hay tiếm danh. Phải lên tiếng, để cho biết rằng chính nghĩa quốc gia không bao gồm chuyện tấn công tôn giáo khác.

    Phải lên tiếng, để nói với đồng bào trong nước đang choáng váng nhìn hải ngoại, rằng khi chúng ta có tự do dân chủ thì chúng ta hành xử như người của tự do dân chủ.

    Theo blog Nhảm

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728