Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Bùi Tín - 'Bên thắng cuộc mới nói được 1/3 sự thực'

    Quốc Phương

    Nhà báo Bùi Tín bình luận về phần một cuốn sách "Bên Thắng Cuộc" và cho rằng tác giả Huy Đức mặc dù đã có những nỗ lực và đóng góp, mới chỉ đề cập được 'một phần ba' với tư cách là đóng góp mới hay tính mới về sự thực lịch sử dân tộc và sách còn rất nhiều sai sót cần được sửa.

    Nhà báo Bùi Tín đánh giá cao cuốn Bên Thắng Cuộc
    nhưng cho rằng cuốn sách có nhiều sai sót cần sửa
    Trao đổi với BBC Việt ngữ từ Paris hôm 05/1/2013, cựu đại tá nhà báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bùi Tín cho rằng cuốn sách chưa nói được hết những sự thực về đảng cộng sản Việt Nam, về cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng nhiều sự thực khác.

    Bấm vào nghe âm thanh



    Về tính mới của cuốn sách, ông Tín, người từng có thời gian giữ cương vị Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân của Đảng Cộng sản nói:

    "Tôi nghĩ là tính được 33% hay một phần ba... bởi vì nếu Ban Tuyên huấn Trung ương duyệt, thì nó phải bỏ đi, gọi là âm, dưới 100%, vì phần nhiều là lừa dối hết. Thì cái này đã nói được một phần sự thật, được 33%.

    "Còn muốn đạt đến sự thật, còn phải cố gắng hai phần ba nữa mới có thể gọi là phản ánh đúng sự thực lịch sử."

    Về mặt đóng góp của cuốn sách, ông Tín dành những lời lẽ 'tích cực' nhất đánh giá các nỗ lực của nhà báo Huy Đức, khi cố gắng phản ánh lịch sử của cận đại của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cuộc chiến từ năm 1954-1975 cũng như giai đoạn trước, trong và sau đổi mới.
    Gọi cuốn sách là một công trình, ông Bùi Tín nhận xét: "Tôi thấy là anh ấy đã làm một việc rất đáng khen. Tôi có thể nói là đáng phục nữa. Bởi vì ở trong nước ít có nhà báo nào có gan, có sự táo bạo, tự mình nghiên cứu, tự mình viết một quyển đến 600 trang như thế.

    "Có thể nói anh đã tiếp cận với một loạt người rất phong phú và công phu ghi lại những suy nghĩ của họ. Thì tôi thấy đó là một tài liệu rất đáng khen"

    » Bùi Tín
    "Tôi thấy anh ấy là một nhà báo trẻ, một nhà báo có một chí lớn hiếm có tự mình nghiên cứu, để viết theo quan điểm của mình, chứ không phải của lãnh đạo, của người khác, để viết nên một tài liệu lớn đến như thế."

    "Đây quả là một công trình hiếm có, công phu, bởi vì anh có gan, có ý chí tiếp cận tất cả các nhân vật lịch sử, trong đó có những người đã mất. Những người đó là những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, từ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từ Thủ tướng, nhiều Ủy viên Bộ chính trị, nhiều Bí thư Trung ương Đảng.

    "Cho đến lấy các tài liệu từ cả những người dân thường ở Sài Gòn mới giải phóng, ở Huế, ở Hải Phòng v.v... Có thể nói anh đã tiếp cận với một loạt người rất phong phú và công phu ghi lại những suy nghĩ của họ. Thì tôi thấy đó là một tài liệu rất đáng khen."

    'Sai sót phải sửa'

    Ông Bùi Tín nói 'Bên Thắng Cuộc' là một công trình
    đáng khen, đáng phục
    Ông Bùi Tín nói 'Bên Thắng Cuộc' là một công trình đáng khen, đáng phục

    Về mặt được cho là các sai sót hay hạn chế của cuốn sách, nhà báo Bùi Tín nhận xét:

    "Tất nhiên, tôi đọc rải rác chỗ này chỗ khác thì nhiều cái sai lắm. Nhưng tôi cũng không trách gì, bởi vì hàng nghìn người, ghi chép hàng sáu trăm trang như thế thì chỗ nào cũng có chi tiết sai cả."

    Khi được hỏi đâu là những sai sót quan trọng nhất không thể không sửa để bảo đảm tốt hơn tính khách quan khi tìm kiếm sự thật lịch sử ở các giai đoạn và phân kỳ lịch sử mà "Bên Thắng Cuộc" phần I đã đề cập, cựu Tổng Biên Tập tờ Nhân Dân Chủ Nhật nói:

    "Nhược điểm của anh Huy Đức là anh ấy là người đến sau, là người không chứng kiến được trực tiếp, nghe ngóng sau khi các sự kiện đó đã xảy ra... Anh ấy là người lượm lặt, thu góp, mà không phải là quan sát trực tiếp. Cho nên cái gián tiếp sai nhiều lắm.

    "Tôi nói riêng ngày 30/4, anh ấy lấy được nhiều tài liệu hay, nhưng cũng có kha khá các điểm là dở, là không đúng. Nhưng cái này tôi không trách anh ấy, mà tôi trách là trách những người đã gặp anh ấy, có nhiều người nói không đúng sự thật."

    Nhà báo Thành Tín đưa ra ví dụ: "Những câu nói rằng là các ông không có gì để mà giao. Khi mà Dương Văn Minh nói "quý ông", buổi sáng mà giao chính quyền, thì chính tôi là người trả lời như thế chứ không phải là Bùi Văn Tùng."

    "Những câu mà nói rằng là các ông không có gì để mà giao. Khi mà Dương Văn Minh nói là "quý ông," buổi sáng mà giao chính quyền, thì chính tôi là người trả lời như thế chứ không phải là Bùi Văn Tùng"

    » Bùi Tín
    "... Nếu mà gọi là cán bộ cao cấp đầu tiên cũng như cán bộ cao cấp duy nhất mà gặp họ trong ngày 30/4 thì chính là tôi... Chứ ông Nam Long cũng không hề gặp và cũng không có ông tướng nào gặp họ trong những ngày đó cả."

    Ông Bùi Tín cho rằng thuật ngữ mà tác giả lựa chọn và đề cập cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong suốt 30 năm ở nửa sau của thế kỷ trước là "sự nghiệp chống Mỹ cứu nước" hay chống "đế quốc Mỹ xâm lược" cũng "sai bét tất," ông nói:

    "Những thiếu sót gốc phải gia công hơn nữa, ví dụ như là 'cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước' nói như thế có đúng hay không, theo tôi là không đúng. Thế còn nói 'ngày toàn thắng,' 'ngày giải phóng,' thì ngay cái tít 'giải phóng' cũng đã là mỉa mai rồi.

    "Mà tôi nói là cái chiếm đóng của Miền Bắc đối với Miền Nam, cái này không phải là cái công để phục vụ nhân dân, mà Đảng cộng sản lấy danh nghĩa là chiến tranh giải phóng để cướp quyền lãnh đạo và từ đó nhằm lợi ích riêng của Đảng, không có phục vụ lợi ích của toàn dân.

    Những điều này, theo ông Bùi Tín, cần được "đánh giá lại một cách sâu sắc."

    "Phản ứng dè dặt"

    Nhà báo Huy Đức nổi tiếng sắc sảo với các bài bình luận
    thời sự và chính sách trên trang blog Osin của ông
    Khi được hỏi liệu 'có điều gì' có thể ảnh hưởng đến cá nhân tác giả nếu nhà báo Huy Đức quyết định trở về nước sau khi xuất bản toàn phần cuốn "Bên Thắng Cuộc", cũng như chính quyền, đặc biệt là ngành Tuyên Giáo trong nước, có thể sẽ 'đối đãi' ra sao với cuốn sách, ông Bùi Tín nói:

    "Họ tiếp nhận rất dè dặt, mới có hai ba bài báo, nhưng cũng đã có vẻ như là không tán đồng rồi. Bởi vì nhất định là cách nhìn của Huy Đức so với cách nhìn của Ban Tuyên huấn Trung ương, của Bộ Chính trị , của 14 ông vua tập thể là khác hẳn nhau rồi...

    "Bởi vì ngay cái 'giải phóng' đã hàm ý mỉa mai rồi. Cho nên họ không thể coi đó là một tài liệu tiến bộ được. Họ miễn cưỡng phải đề cập, nhưng họ sợ, họ lo vì so với cách nhìn của Đảng Cộng sản, nó đã chệch đi đến 90 độ.

    "Bây giờ ông ấy về nước chẳng sao cả đâu. Bởi vì ông ấy viết theo quan điểm có chống đối gì mạnh mẽ lắm đâu, chỉ là uốn nắn lại một vài sự thực lịch sử, cho nên tôi nghĩ là ông ấy chưa phải là một người viết sử thực sự, dám đụng thật đến sự thật"

    » Bùi Tín
    Cựu đại tá Bùi Tín cho rằng cá nhân tác giả của cuốn sách sẽ không gặp vấn đề gì khi về nước, ông nói:

    "Bây giờ ông ấy về nước chẳng sao cả đâu. Bởi vì ông ấy viết theo quan điểm có chống đối gì mạnh mẽ lắm đâu, chỉ là uốn nắn lại một vài sự thực lịch sử, cho nên tôi nghĩ là ông ấy chưa phải là một người viết sử thực sự, dám đụng thật đến sự thật.

    "Một cái người chỉ mới thay đổi cách nhìn hơi tiến bộ một chút chứ chưa phải là một cuộc cách mạng nhân dân, một cách nhìn thực sự đứng về phía nhân dân, đứng về phía chân thực của lịch sử."

    Ông Bùi Tín, người đã đã trở thành nhà bất đồng chính kiến và một cây bút cổ vũ cho dân chủ và cải tổ ở Việt Nam tại hải ngoại từ sau 9/1990, cho biết ông tin rằng những hạn chế của Bên Thắng Cuộc, điều mà ông gọi là 2/3 sự thực lịch sử còn lại, sẽ được các thế hệ tương lai giải quyết.

    "Phải là các bạn trẻ hơn nữa viết ra, có những người có quan điểm tiến bộ hơn nữa, tôn trọng lịch sử và có ý thức dân chủ thì mới có thể viết nổi," ông nói với BBC.

    ---oOo---

    Nhà báo Bùi Tín nói về "Bên Thắng Cuộc"

    Nhà báo Bùi Tín nhận xét về cuốn sách Bên Thắng Cuộc, phần I, công bố gần đây của tác giả Huy Đức, và cho rằng cuốn sách là một "công trình" hiếm có, can đảm, đáng khâm phục.



    Tuy nhiên ông cũng cho rằng sách còn nhiều hạn chế về quan điểm và nhầm lẫn, sai sót khách quan về các chi tiết sự kiện và sự thực lịch sử, điều mà ông cho rằng cần sửa chữa và có thể được khắc phục tốt hơn bởi một thế hệ có tầm nhìn và quan điểm mới hơn về dân chủ và khách quan lịch sử.

    Xin mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc trao đổi giữa BBC Việt ngữ và cựu Đại tá Bùi Tín ở mục nghe xem và bài viết giới thiệu ý kiến của ông ở mục bài viết liên quan dưới đây.

    Theo BBC Tiếng Việt

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728