Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Hiến pháp, những “trò khỉ” và chuyện góp ý hay không

    Đồng Phụng Việt

    Năm 2013 khởi đầu bằng một sự kiện mà tới bây giờ vẫn còn rất “nóng”, đó là chuyện Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Đảng, công bố “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” để công chúng góp ý.

    Xét về tính chất thì đây là một “sinh hoạt chính trị” do Đảng đề xướng và thực tế cho thấy là đến giờ, Đảng đã đạt được một số “thành quả nhất định” từ đợt “sinh hoạt chính trị” này.

    Hiến pháp, những “trò khỉ” và chuyện góp ý hay không. Photo
    VAOL file


    Nhiều blogger, facebooker đã nêu ý kiến, thảo luận về các góp ý cho “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Trong đó, đáng chú ý nhất là “Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp” do 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng (ở đây, mình xin tạm gọi là “Kiến nghị 72”).

    Ngoài 7 đề nghị cụ thể, 72 vị nhân sĩ, trí thức khởi xuớng “Kiến nghị 72” còn giới thiệu một bản Hiến pháp do họ tự soạn thảo với 9 chương và 81 điều (1). Tính đến ngày 5 tháng 2, sau 12 đợt thu thập chữ ký, “Kiến nghị 72” có hơn 2.500 công dân thuộc đủ các vùng, miền, thành phần xã hội, tôn giáo, tuyên bố ủng hộ.

    Tuy nhóm khởi xướng “Kiến nghị 72” vẫn còn tổ chức thu thập chữ ký ủng hộ “Kiến nghị 72” nhưng hôm 4 tháng 2 vừa qua, họ đã cử 15 vị đại diện đến Văn phòng Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, để trao “Kiến nghị 72”.

    Nói cách khác, nhóm khởi xướng “Kiến nghị 72” và những công dân tuyên bố ủng hộ kiến nghị này đã làm xong công việc của họ, theo đúng đề nghị của Đảng. Phải chờ “hồi sau mới rõ” Đảng sẽ thực thi trách nhiệm của phía “xin góp ý” với bên đã tích cực “cho ý kiến” như thế nào.

    Dù chưa biết Đảng sẽ tiếp nhận “Kiến nghị 72” và ứng xử với cả “Kiến nghị 72” lẫn những người tuyên bố ủng hộ kiến nghị ra sao, song mình vẫn thấy việc soạn thảo, tuyên bố ủng hộ, gửi “Kiến nghị 72” cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp là điều hết sức cần thiết.

    1.

    Trong 68 năm ở vị trí tổ chức chính trị nắm giữ quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội tại Việt Nam (1945-2013), Đảng đã “chế tạo thành công và đưa vào sử dụng” năm bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2001 – bản sửa đổi bản 1992 và đây mới thật sự là bản Hiến pháp hiện hành).

    Nếu mình không lầm thì cả trong lịch sử nhân loại, lẫn pháp chế sử của loài người, Đảng CSVN là tổ chức chính trị duy nhất lập - giữ kỷ lục về “chế tạo và sử dụng Hiến pháp”. Dưới “sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt” của Đảng, “Hiến pháp” trở thành một thứ áo khoác, thường xuyên được cắt - may “cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, “bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng” tại Việt Nam.

    Khi “Hiến pháp” không còn nguyên nghĩa và được “chế tạo, sử dụng” như một thứ áo khoác, có lẽ không ngoa nếu gọi đó là “trò khỉ”. Riêng với Hiến pháp, Đảng đã có năm lần chơi… “trò khỉ” và hình như Đảng toan giở “trò khỉ” thêm một lần nữa.

    Sở dĩ mình nói như thế vì lần này, kế hoạch “sửa đổi Hiến pháp” cũng có đầy đủ các dấu hiệu của một thứ “trò khỉ”. Nếu không có thời gian đọc, phân tích nhưng muốn biết “trò” này “khỉ” đến mức nào, các bạn ít theo dõi thời sự có thể tìm xem “Teo dần quyền con người trong Hiến pháp” của bác Hoàng Xuân Phú (2).

    Dẫu thấy và đã chỉ ra rất rõ, rất thuyết phục về “tính khỉ” trong trò khỉ mang tên “sửa đổi Hiến pháp 1992” nhưng bác Phú vẫn tham gia nhóm soạn thảo, gửi “Kiến nghị 72”. Vì sao? Phải chăng cả bác Phú lẫn 71 vị còn lại trong nhóm soạn thảo, gửi “Kiến nghị 72” và hơn 2.500 công dân đã chính thức tuyên bố ủng hộ kiến nghị này đều ngây thơ và làm chuyện hết sức vô ích như bạn Kami nhận định trong bài “Vì sao tôi không góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp?” (3)?

    Suy nghĩ mà bạn Kami trình bày qua “Vì sao tôi không góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp?” khá phổ biến nhưng theo mình, lối suy nghĩ và cách hành xử đó không đúng trong bối cảnh như hiện nay.

    Tên tuổi, lai lịch của từng vị trong danh sách 72 vị khởi xướng “Kiến nghị 72” cho thấy, có ráng cũng không thể xếp bất kỳ ai vào diện “ngây thơ”. Tất cả đều thuộc nhóm “dư hiểu biết và thừa kinh nghiệm” cả về Đảng lẫn hiện tình chính trị Việt Nam. Mình không tin có vị nào trong số 72 vị này tin chắc, rằng Đảng sẽ tiếp nhận “Kiến nghị 72” một cách vui vẻ, trọng thị và xem xét kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Vậy thì tại sao họ vẫn soạn – giới thiệu - kêu gọi ủng hộ - gửi?

    Mình không dám võ đoán nhưng nếu mình là Đảng thì rõ ràng “Kiến nghị 72” là thứ rất khó nuốt nhưng không nuốt thì cũng giống như tự khắc họa cho “tính khỉ” của “trò khỉ”, được đặt tên là “sửa đổi Hiến pháp 1992” rõ nét hơn và thiên hạ thêm chán ghét hơn..

    “Kiến nghị 72” cũng có thể sẽ tiếp tục vào sọt rác như nhiều kiến nghị khác nhưng với mình, tất cả các kiến nghị đã bị Đảng xem như rác đều có giá trị. Nó là hình thức nhắc nhở Đảng một cách công khai và rất đường hoàng rằng, càng ngày, càng nhiều nhân sĩ, trí thức, công chúng thuộc đủ mọi vùng, miền, thành phần xã hội, tôn giáo, kể cả cán bộ, Đảng viên của Đảng, không đồng tình với những việc Đảng làm. Rằng các hình thức trấn áp không còn hiệu quả nữa. Rằng tất cả các trò bịp bợm sẽ bị vô hiệu hóa, sẽ trở thành phản tác dụng và tất nhiên, “mỡ nó” sẽ được dùng để “rán nó”...

    Thành ra, nếu bạn cũng muốn nhắc nhở Đảng một cách công khai và rất đường hoàng như vậy, hãy tuyên bố ủng hộ “Kiến nghị 72” bằng chữ ký của bạn.

    2.

    Sẵn dịp Đảng mời gọi góp ý “sửa đổi Hiến pháp 1992”, mình muốn thưa riêng với các bác lãnh đạo Đảng đôi lời.

    Thưa các bác, trong chính trị, niềm tin là một loại “vốn đặc biệt”. Do ngu dốt, chủ quan, lại còn tham và ác, các bác đã tiêu sạch khoản “vốn đặc biệt” này. Lẽ ra nên ngừng “chơi”, các bác vẫn muốn “gỡ gạc” bằng cách bày thêm một ván bài nữa. Trong ván bài “củng cố và giữ quyền lực”, các bác không chỉ đã “cháy túi” mà thiên hạ còn tỏ tường việc các bác chuyên đánh “bạc bịp”. Trò “sửa đổi Hiến pháp 1992” do các bác bày ra giống như chuyện “lột nốt” và “đặt cược” bằng “cái quần đùi”. Nó vừa thảm hại, vừa nhiều rủi ro.

    Ở tình thế như hiện nay, các bác nên làm cho thiên hạ thương, đừng tiếp tục hành xử theo kiểu vừa gian, vừa láo. Các bác cũng nên thôi hoang tưởng về khả năng “Muôn năm trường trị. Nhất thống giang hồ” như Nhậm Ngã Hành trong “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung. Hãy xem “Kiến nghị 72” là một cơ hội. Bỏ qua cơ hội cuối cùng này, các bác sẽ mất luôn cái “quần đùi”, hoàn toàn trần truồng, ở không được mà về cũng chẳng còn lối.



    Chú thích:
     
    (1) Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp 1992
    http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/22/1566-kien-nghi-ve-sua-doi-hien-phap-1992/
    (2) Teo dần quyền con người trong Hiến pháp
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=TeoDanQuyenConNguoiTrongHienPhap-20130115
    (3) Vì sao tôi không góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp?
    http://www.rfavietnam.com/node/1506

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728