Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Biển Đông 2013 : Nguy cơ đối đầu Việt-Trung

    Trọng Nghĩa

    Trong những ngày cuối năm 2012, đầu năm 2013, Bắc Kinh liên tiếp tung ra các thông tin bị đánh giá là mang tính chất hù dọa các láng giềng đang tranh chấp chủ quyền với họ trên Biển Đông. Mũi dùi của Trung Quốc, đặc biệt nhắm vào Việt Nam, với lời cảnh cáo công khai ngày 31/12/2012 vừa qua, tấn công vào bộ Luật Biển Việt Nam bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Các động thái quyết đoán của Bắc Kinh đã làm dấy lên mối lo ngại là sự cố có thể xẩy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc ngoài Biển Đông.

    Biểu tình tại Hà Nội ngày 09/12/2012 với khẩu hiệu đòi
    Trung Quốc tôn trọng Luật Biển Liên Hiệp Quốc.
    REUTERS/Stringer

    Theo ghi nhận của các nhà quan sát, Bắc Kinh trong những ngày qua, không còn che giấu việc họ đang tăng cường đáng kể sức mạnh của các lực lượng quân sự cũng như bán quân sự của họ tại vùng Biển Đông.

    Gần đây nhất, truyền thông Trung Quốc đã nhất loạt phô trương các cuộc tập trận được mệnh danh là để nâng cao tư thế sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội đồn trú tại vùng Tam Sa được Bắc Kinh trao quyền cai quản vùng Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

    Trước đó, báo giới cũng tiết lộ thông tin về việc Hạm đội Nam Hải, đặc trách Biển Đông vừa được tăng cường bằng chiến hạm thuộc loại hùng mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay. Bên cạnh đó, đội tàu hải giám, chuyên tuần tra trên biển, cũng được tăng cường bằng hơn một chục tàu chiến cũ, trong đó có một khu trục hạm được đặc cách tuần tra tại Biển Đông.

    Audio - Thời sự Việt Nam

    Tất cả các chuyển động trên như nhằm thực hiện việc tỉnh Hải Nam, phụ trách Biển Đông, được Bắc Kinh trao cho quyền chận bắt tàu bè ngoại quốc bị đánh giá là xâm nhập trái phép lãnh hải của Trung Quốc, một quyết định được áp dụng từ ngày 01/01/2013, đúng vào hôm Luật Biển Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

    Như để chuẩn bị cho việc thực thi Luật Biển mới của mình, ngay từ cuối năm ngoái, Việt Nam cho biết đã thành lập một lực lượng tuần tra để bảo vệ các khu vực đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông và lực lượng này sẽ hoạt động kể từ 25/01/2013.

    Quyết định của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đã khiến cho nhiều quan sát viên lo ngại về nguy cơ sự cố nảy sinh giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc trên vùng Biển Đông.

    Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại Học Maine (Hoa Kỳ), quyết định của Trung Quốc cho khám soát tàu bè ngoại quốc tiến vào Biển Đông rất nguy hiểm vì tiềm ẩn những đầu mối làm nảy sinh những sự cố, đặc biệt là với Việt Nam – cùng với Philippines - vốn bị Bắc Kinh coi là đối thủ chủ yếu.

    Đối với Giáo sư Long, việc Việt Nam thành lập lực lượng tuần tra với nhiệm vụ bảo vệ vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của mình chỉ có hiệu quả tương đối.

    Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long trước hết phản bác lập luận chính thức của Trung Quốc, theo đó, quyết định khám soát tàu thuyền ngoại quốc tại Biển Đông là của riêng tỉnh Hải Nam. Theo giáo sư Long, đó chỉ là lập luận được đưa ra sau các phản ứng bất đồng tình của các nước khác.

    Nhìn rộng ra khu vực, Giáo sư Ngô Vĩnh Long ghi nhận hai yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam trong việc đánh động dư luận quốc tế về các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông. Đó là việc Brunei, một nước cũng tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ngoại Biển Đông lên làm chủ tịch ASEAN, và việc một nhà ngoại giao Việt Nam nhậm chức Tổng thư ký ASEAN.

    Giáo sư Ngô Vĩnh Long
    Đại học Maine (Hoa Kỳ)


    Vấn đề đặt ra, theo giáo sư Long, là Việt Nam cần phải xác định rõ ràng hơn chính sách của mình liên quan đến Biển Đông, cho thế giới hiểu rõ chính sách này, mà nhất là phải cho người dân trong nước biết được đường lối của chính phủ.

    NVL : Trước hết về phía Trung Quốc, luật đưa ra không phải là của riêng tỉnh Hải Nam, mà theo tôi biết, cũng là của chính phủ trung ương, nhưng mà họ nói một cách lấp liếm …

    Khi tỉnh Hải Nam nói là bắt đầu từ ngày 01/01/2013, sẽ cho công an biên phòng được quyền khám soát tàu bè ngoại quốc gọi là lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông, tức là gần như là toàn bộ Biển Đông, thì trước đó, tờ China Daily đã nói rằng các lực lượng tuần dương của Hải quân Trung Quốc sẽ dùng tuần dương hạm của họ chận tàu bè đi vào vùng biển của họ một cách bất hợp pháp. Thành ra vấn đề này có hai yếu tố : một là tỉnh Hải Nam, và hai là chính phủ trung ương …

    Riêng Hải Nam cũng đã rất nguy hiểm rồi : Đây là nơi đặt toàn bộ Nam Hải Hạm đội, hạm đội mạnh nhất của Trung Quốc... Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Nam lại là Ngô Sĩ Tồn, cũng là Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Biển Đông (Viện Nghiên cứu Nam Hải). Trung tâm này cũng là nơi làm chính sách cho trung ương. Thành ra họ lấp liếm như vậy nhưng vấn đề ở đây không phải chỉ là của riêng tỉnh Hải Nam, mà là của cả chính quyền trung ương Trung Quốc.

    Từ khi Trung Quốc đưa ra đường 9 đoạn thành một yêu sách đòi hỏi cả 80% Biển Đông, thì đây là chính sách từ lâu của họ, chứ không phải chỉ bây giờ tỉnh Hải Nam mới ra luật như vậy. Trung Quốc ngày càng ép các nước khác, mà Việt Nam là đối tượng chính của họ.

    Về phần Việt Nam quyết định tuần tra trên Biển Đông, tôi nghĩ rằng Việt Nam không đủ sức để làm việc này. Việt Nam chỉ nói để cho có nói.

    Biển Đông là một khu vực rất lớn, thành ra nếu Việt Nam muốn tuần tra dọc lãnh hải của Việt Nam, thì phải dựa vào người dân trên toàn lãnh thổ và dọc theo vùng duyên hải, khi thuyền bè Trung Quốc vào lãnh hải của Việt Nam, họ phải báo cáo cho chính phủ, và khi ấy, chính phủ phải lập tức loan tin cho thế giới biết để cho sự cố khỏi xảy ra, vì nếu không, thì tôi nghĩ là trước sau gì thì cũng sẽ xảy ra sự cố, gây khó khăn cho an ninh khu vực.

    RFI : Giáo sư vừa nhận xét là trong vụ tự cho mình quyền khám soát tàu bè ngoại quốc đi vào Biển Đông, Trung Quốc đã tìm cách lấp liếm. Xin Giáo sư giải thích rõ hơn.

    NVL : Trước hết là khi Trung Quốc đưa ra lệnh này - chính phủ trung ương đưa ra trước, tỉnh Hải Nam đưa ra sau - họ muốn thử phản ứng của các nước chung quanh và của thế giới. Các nước chung quanh, Philippines, Singapore…, và các nước ngoài khu vực như Mỹ, đều muốn Trung Quốc phải làm rõ vấn đề này.

    Thấy có phản ứng của các nước chung quanh, Trung Quốc mới giả vờ nói là chỉ nhắm vào tàu thuyền của ngư dân Việt Nam mà thôi, hay là lấp liếm rằng, chỉ đối với thuyền ngư dân Việt Nam, trong vòng 12 hải lý !

    Nhưng Trung Quốc vẫn nói rằng bất cứ ai đi qua đường 9 đoạn, thì họ có quyền kiểm soát, chứ không phải là 12 hải lý, chung quanh Hải Nam mà thôi... Điều đó có nghĩa là Trung Quốc nói :

    « Tất cả những gì bên trong đường 9 đoạn là của tôi, nhưng tôi cho phép các vị đi ngang. Đối với các nước lớn như Mỹ… đằng nào cũng có quan hệ tốt, tôi cho các anh đi qua, nhưng mà cái thằng Việt Nam nó láo lếu, thì chúng tôi phải dạy cho nó một bài học trước ».

    RFI : Nhận định của giáo sư về khả năng xẩy ra xung đột tương đối bi quan ?

    NVL : Vâng… Trước hết, Trung Quốc bảo là ngư dân hay thuyền bè Việt Nam không được đi vào cái vùng mà Trung Quốc gọi là vùng biển của Trung Quốc, nhưng vấn đề là cái vùng đó như thế nào ? Là 12 dặm chung quanh Hải Nam, hay chung quanh ba quần đảo mà Trung Quốc đòi hỏi là Hoàng Sa, Trung Sa, Trường Sa ?

    Mà những cái vùng này lại là vùng biển của thế giới, nếu người Việt Nam đi qua đó mà bị Trung Quốc bắn hay bắt – như họ đã làm – thì Việt Nam trả lời như thế nào ? Mà nếu Việt Nam có lực lượng tuần tra, để bảo vệ các khu vực đánh cá của Việt Nam – như Việt Nam nói – thì khi các lực lượng này, vì bảo vệ ngư dân Việt Nam mà bị Trung Quốc bắn vào, thì chính phủ Việt Nam sẽ làm gì?

    Việt Nam là một nước có lãnh hải dài nhất trong khu vực, nếu mà Việt Nam bị ép, thì các nước khác phản ứng như thế nào ?

    RFI : Như vậy, Việt Nam có thể làm gì để tránh được các sự cố ?

    NVL : Vấn đề không phải là chờ đến khi có sự cố rồi mới phản ứng. Tôi nghĩ rằng phải có trước một chính sách rõ ràng.

    Trước hết, trong vùng lãnh hải của Việt Nam, nếu Trung Quốc tiến vào, thì Việt Nam phải hô hoán. Còn khi ngư dân Việt Nam đi qua các vùng đảo đang tranh chấp - chứ không phải là vùng lãnh hải của Trung Quốc - nếu bị Trung Quốc bắn hay bắt, thì Việt Nam phải tỏ thái độ rõ ràng. Phải nói trước, chứ không được chờ lúc sự cố xẩy ra rồi mới nói.

    Còn đối với ngư dân Việt Nam, thì chính phủ phải yêu cầu không được đến gần lãnh hải của Trung Quốc – như là tỉnh Hải Nam chẳng hạn. Còn tại vùng đang tranh chấp – như Hoàng Sa – thì (chính phủ phải khuyên) thuyền đánh cá Việt Nam không nên vào vùng của những đảo có (lãnh hải) 12 dặm, còn những chỗ khác, những hòn đá chỉ có (lãnh hải) 500 thước thôi, thì ngư dân Việt Nam có thể tùy nghi đi ra đi vào. Nếu Trung Quốc dọa nạt hay bắt ngư dân Việt Nam, thì Việt Nam phải có thái độ và đưa vấn đề này ra cho thế giới biết.

    Ví dụ như đảo Phú Lâm, có thể có 12 hải lý, hiện là vùng đang tranh chấp. Vùng nào đang tranh chấp thì phải nói cho dân biết là không nên đi vào vì nó còn đang tranh chấp, vì đi vào thì đúng là có sự tranh chấp.

    Còn những vùng khác như là đảo nhỏ hay đá nhỏ, thì theo luật quốc tế thì chỉ được 500 thước thôi. Nhưng kể cả khi có tranh chấp, nếu lỡ mà sóng gió đẩy người ta vào vùng đó, thì Trung Quốc không thể viện có bắt hay bắn ngư dân Việt Nam được.

    Nhưng mà phải nói cho dân chúng Việt Nam biết, để khỏi gây ra sự cố, trong khi đó thì chủ quyền phải tiếp tục đòi, tiếp tục đưa vấn đề ra cho thế giới biết là : « Chúng tôi đàng hoàng, chúng tôi thấy chỗ nào tranh chấp chúng tôi không đến, nhưng mà nếu đi vào lãnh hải của chúng tôi, chúng tôi sẽ hô hoán, nếu có sự cố thì vấn đề không phải là do phía Việt Nam mà là do phía Trung Quốc ».

    RFI : Năm 2013, Brunei lên làm chủ tịch ASEAN, và một nhà ngoại giao Việt Nam làm Tổng thư ký ASEAN. Vai trò tổng thư ký có lợi cho Việt Nam trong việc nêu bật vấn đề Biển Đông hay không ?

    NVL : Vai trò ASEAN rất quan trọng. Mặc dầu áp lực rất lớn của Trung Quốc, năm 2010, Việt Nam cũng có thể đưa vấn đề Biển Đông ra bàn cãi và lúc đó thế giới đã ủng hộ Việt Nam.

    Tuy là một nước không có tranh cãi lớn với Trung Quốc, nhưng Brunei cũng bị đường lưỡi bò của Trung Quốc liếm gần hết vùng mà Brunei có yêu sách. Trong khi đó tranh cãi giữa Brunei và Việt Nam rất là nhỏ…

    Thành ra giữa Việt Nam và Brunei, tôi nghĩ là có thể nói chuyện và dàn xếp một cách ổn thỏa vấn đề. Nếu làm được, Việt Nam sẽ được Brunei ủng hộ để đưa vấn đề Biển Đông ra bàn cãi… Ba nước rất quan trọng có thể đồng tình với Việt Nam là Brunei, Mã Lai và Phi Luật Tân.

    Thật ra tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Tuy thế, theo tôi, nếu đàng hoàng thì giữa Việt Nam và Phi Luật Tân cũng có thể dàn xếp với nhau.

    Đây (Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines) là 4 nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc. Nếu 4 nước họp lại - đấy cũng là yêu cầu của Phi Luật Tân, nhưng chưa thành - tôi nghĩ là sẽ có cơ hội để 4 nước gặp nhau, thương lượng với nhau và đưa ra một chương trình, một chính sách để thế giới có thể ủng hộ được…

    Về phần Việt Nam thì ông Lê Lương Minh là một nhà ngoại giao lỗi lạc, có rất nhiều kinh nghiệm. Làm Tổng thư ký ASEAN, ông có thể đưa ra những vấn đề đúng lúc để bàn cãi, để đưa vào chương trình nghị sự. Tôi nghĩ là nếu khôn khéo, trong vai trò này, Việt Nam có thể làm được rất nhiều chuyện.

    Nhưng vấn đề lớn là…mặc dầu bộ Ngoại giao Việt Nam có rất nhiều người giỏi, tuy nhiên khác với Mỹ chẳng hạn - với một bộ Ngoại giao rất mạnh, đồng ý cái gì thì các bộ khác phải theo - ở Việt Nam, bộ Ngoại giao lại yếu, muốn làm cái gì, hứa cái gì và có thể không làm được bởi vì bị bộ này, bộ kia tranh giành ảnh hưởng. Thành ra, có vai trò tốt cũng khó có thể làm.

    Vấn đề chính bây giờ không phải là vai trò của ông Lê Lương Minh, hay vai trò của Việt Nam Tổng thư ký ASEAN, mà là chính sách của Việt Nam như thế nào để có tác dụng.

    RFI : Chính sách Việt Nam gần đây có dấu hiệu không rõ ràng ?

    NVL : Vâng, có những tín hiệu không rõ ràng. Nếu trong chính phủ có rõ ràng đi nữa thì cách giải thích ra ngoài cho quần chúng không rõ ràng. Mà đây là vấn đề rất quan trọng.

    Chính phủ (Việt Nam) không thể làm được một chính sách được các nước trên thế giới hay dân chúng ủng hộ, nếu không cho dân chúng, không cho thế giới thấy rõ ràng là chính sách của mình như thế nào. Nếu giấu chinh sách của mình đi thì khó tìm được ai ủng hộ mình.

    Vấn đề ở đây là : Không những chính phủ phải có chính sách rõ ràng và thông báo cho thế giới biết, mà còn phải thông báo cho nhân dân trong nước biết. Nếu không, chẳng hạn khi nhân dân trong nước thấy Trung Quốc ép quá mà chính phủ không làm gì - mặc dầu có thể là chính phủ đã làm rất nhiều việc ở phía sau - thì sẽ có một sự khác biệt giữa dân chúng và chính phủ. Mà nếu có khác biệt giữa dân chúng và chính phủ, thì sức của chính phủ sẽ yếu đi.

    Tôi nghĩ là chính phủ nên rõ ràng với trong nước và nước ngoài, để người ta có thể biết trước và ủng hộ chính sách của mình.

    © RFI

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728