Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Phạm Duy, Thôi thế cũng xong.

    Trần Như Xuyên

    Như vậy là ông đã ra đi, sự ra đi này sẽ vinh quang biết bao nếu cuối đời ông không có những lầm lẫn, nhiều người vẫn lấy làm tiếc cho điều này.

    Nói về nhạc của ông thì nó mênh mông quá, ảo diệu quá, rất nhiều người đã viết về ông với sự công nhận ông là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, ta hãy chùng lòng xuống với:" đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em..." " ngày đó có em đi nhẹ vào đời..."

    Phạm Duy: 'Tôi về Việt Nam là vì tôi yêu nước'.

    Phạm Duy đã có biết bao nhiêu người viết về ông, trải dài một đời theo thăng trầm của đất nước, ông đã chứng kiến lịch sử, sự đổi thay cuộc đời bằng trái tim của người nghệ sĩ, như ông viết:" khóc cười theo vận nước nổi trôi" Ông sống nhiều, viết nhiều và nhạc của ông trải rộng trên ba miền đất nước, ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã nghêu ngao: chiều ơi lúc chiều về..., rồi lớn lên theo cùng với những giòng nhạc của ông, 1954 di cư vào Nam thì có Ngày trở Về, ngày trở về của người thương binh gặp lại mẹ già, gặp lại người yêu vừa bi tráng, vừa hào hùng, đau khổ thay, bản nhạc này được ông làm tựa đề cho một chương trình nhạc của ông khi xin về sống Việt Nam. Ngày trở về lê lết của một kẻ ăn mày, ăn xin, như một lời xin lỗi, vâng ,hôm nay người lầm đường lạc lối đã trở về, xin tạ tội với mọi người, đến nỗi gì mà phải quỵ lụy như thế, vậy ra trong những nét nhạc thanh thoát của ông, những rung động tuyệt vời đó là sự bao phủ cho một đầu óc ươn hèn, một cái điều bình thường mà người có chút liêm sỉ không thể làm được.

    Ngày ông trở về Việt Nam, nhiều người đã lý giải nguyên do một cách khác nhau, người ta cho vì bài thơ Về đi thôi của Lưu trọng Văn, con của nhà Lưu trọng Lư : về thôi, về thôi, làm gì có trăm năm mà đợi làm gì có kiếp sau mà chờ, người thì bảo do Chế lan Viên chiêu dụ, người dễ dãi thì bảo về để kiếm tiền, người thì bảo về để kiếm vợ(do cái tính lăng nhăng của ông), nhưng theo tôi, nguyên do thúc đẩy ông trở về VN là bởi sự ẩn ức, khi Cộng sản dần dần cho hát lại nhạc của nhiều người sáng tác ở miền Nam trước 1975, ngay cả người có nhạc ca tụng người lính của Quân lực VNCH như Trần thiện Thanh thì nhạc của Phạm Duy vẫn tuyệt đối cấm, không một bài nào được trình diễn dù là những bản nhạc ca tụng thời ông tham gia kháng chiến, sự mong muốn trở về càng mãnh liệt hơn khi ông nhận được cuốn băng, cuốn băng chỉ là một cuộc phỏng vấn một lão bà có con được gọi là liệt sĩ vì đã hy sinh trong cuộc chiến, khi người phỏng vấn hỏi cụ già này muốn nói gì nữa không thì bất chợt bà cất tiếng hát: ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ già...đây là bài hát Nhớ người ra đi, Phạm Duy làm trong thời còn tham gia kháng chiến. Khi nghe được cuốn băng này, PD đã thốt lên: bao nhiêu năm rồi, họ còn nhớ tôi như vậy sao?!

    Như trên tôi nói rằng ông bị ần ức vì một gia tài nhạc đồ sộ như thế, những bài hát hay như thế mà lại chỉ được hát ở hải ngoại có vài triệu người, trong khi khối hơn 80 triệu thì hoàn toàn không được cất lời ca cùng ông, và 30 năm đã qua, những người ở VN thuôc lứa tuổi 30, 40 hầu như không biết, không nghe gì về Phạm Duy và ông đã bị chúng hạ gục. Nhưng một người đã thành danh như vậy, đến cuối đời rồi, cần gì phải bon chen, ông là sao Bắc Đẩu ai cũng biết, Bắc Đẩu thì luôn phải rực sáng chứ không thể biến mình thành lu mờ vì cái danh mà mình đã có.

    Bây giờ ta xét tới tại sao VC cho Phạm Duy trờ về, người mà đã bỏ chúng ra đi, nhưng từ khi về thành cho tới 1975, ông không đá động gì tới họ, ông miệt mài sáng tác nhạc, quãng thời gian ông theo kháng chiến coi như một đoạn đời đã xong, một giòng nhạc đã sang trang.

    Thế nhưng 1954 ông đã không nói gì về hơn một triệu người di cư lánh nạn CS, không nói gì về cuộc chém giết khốc liệt miền Bắc đem vào miền Nam, trừ bản nhạc độc nhất nói về Phạm phú Quốc thì 1975, sau khi phải bỏ chạy một lần nữa, ông đùng đùng thóa mạ bọn chúng, đây là những bản nhạc ông sáng tác sau khi qua được Mỹ:

    Một ngày năm bốn cha lìa quê hương
    lánh Bắc, vô Nam, cha muốn xa bạo quyền
    ................................................................
    Một ngày bẩy lăm đứng ở cuối đường
    loài quỷ dữ xua con ra đại dương
    ................................................................
    Ở bên nhà em không còn đứng đợi chờ anh
    Ở bên này anh căm thù lũ Cộng tàn hung

    Ông cũng đã phổ nhạc một bài thơ có lời như sau:

    Từ vượn lên người mất mấy triệu năm
    Từ người xuống vượn mất bao nhiêu năm?
    xin mời thế giới tới thăm
    những trại tập trung núi rừng sâu thẳm
    tù nhân ở truồng từng bầy đứng tắm
    rệp muỗi ăn nằm hôi hám tối tăm
    khoai sắn tranh dành, cúm, bắn, chém, băm
    đánh đập tha hồ, chết quăng chuột gặm
    Loài vượn này không nhanh mà chậm
    khác vượn thời tiền sử xa xăm
    chúng đói, chúng gầy như những cái tăm
    và làm ra của cải quanh năm
    xin mời thế giới tới thăm.

    Với những bài nhạc như thế, chửi chúng như thế, sao VC vẫn cho ông ta về, và ông ta can đảm dám xin về, đáng lý sự căm thù càng phải chồng chất thêm chứ, suy ra, cả Nguyễn cao kỳ, Phạm Duy đều là công cụ cho chúng lợi dụng tuyên truyền, một mặt chúng được tiếng là xóa bỏ hận thù cho thế giới nhìn thấy, một mặt, chúng đánh phá Cộng Đồng Hải Ngoại, chia rẽ các tổ chức chống Cộng để các đoàn thể nghi kỵ lẫn nhau.

    Nào phải chúng ưa gì Nguyễn cao Kỳ hay Phạm Duy, chẳng qua chúng ráng ngậm bồ hòn làm ngọt để đạt được mục đích nói trên. Kỳ hay PD có về thì có làm gì lợi cho bọn chúng đâu, hay chế độ đó đã qua thời kỳ quá độ để đi lên Chủ nghĩa bóc lột, qua thời kỳ chúng cần hồng hơn chuyên, cả cái đảng đó giờ chỉ nghĩ đến là chuyện vơ vét tiền cho chặt túi.

    Có điều với một người sống nhiều như PD, ông ta phải có những nhận thức bắt buộc, thí dụ những bản nhạc ông làm có phải là do sống trong chế độ Tự Do ông mới có cơ hội để sáng tác, hẳn ông cũng biết những người bạn cùng thời với ông như Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh... họ đã không thể còn làm được gì khi mà các tác phẩm đều bị chỉ đạo, phải có tính Đảng, tính Dân tộc.

    Bây giờ, chúng ta nghe những lời trần tình của Phạm Duy nói lý do sự trở về của ông:

    .... Sau 30 năm ở miền Bắc nước Việt, khi đất nước bị chia đôi, tôi phải di cư vào Nam; sau 24 năm ở Sài Gòn, khi quê hương đã thống nhất, tình hình còn căng thẳng, tôi phải qua sống tại Mỹ trong 30 năm, khi tôi đã 80 tuổi, tình hình trong nước đã ổn định, tôi muốn được trở về quê hương, sống nốt quãng đời còn lại.

    .....với ý nghĩ chim bay về tổ, lá rụng về cội, cái khát khao - hay khắc khoải- cuối cùng của tôi là được trở về sống chết ở quê mình...

    Tôi trở về vì tôi yêu nước...( không hiểu ông có biết câu: yêu nước là yêu XHCN không nhỉ ?! )

    Nếu quả thực chỉ thuần túy là ao ước của chiếc lá muốn rụng về cội thì cũng được đi, cũng là những ao ước của nhiều người năm xưa, bỏ nước ra đi ở khoảng tuổi 30, nhưng trở về là khi không còn chế độ CS ở đó.

    Tuy vậy, sự trở về cũng chẳng suông sẻ gì, một bài báo đăng trên tờ Đầu Tư, người viết tên Nguyễn Lưu đã viết như sau:

    Dân tộc VN có tình lý: đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại. Tuy nhiên " không đánh kẻ chạy lại" cần được hiểu thêm rằng : kẻ chạy lại là ai, và " không đánh " có nhất thiết đống nghĩa với việc xem người đó là thần tượng, là nhân vật tiêu biểu để đón rước trọng thể? Tôi muốn nói tới trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc Ngày Trở Về.

    Một người nữa là nhà văn Chu Lai đã viết trong Tạp chí Thế Giới:

    Một người từng bỏ kháng chiến theo Thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi Ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu sặc mùi hiếu chiến, nay thấy VN vươn lên mạnh mẽ(!), lại xin trở về! hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến thế?

    Hai bài viết này không phải là tự phát, bắt nguồn từ sự ganh tức, các bài viết trên các tờ báo của CS phải có sự chỉ thị và được kiểm duyệt. Với sự còn mang đầy căm tức như vậy, liệu những điều họ hô hào " xóa bỏ hận thù " hay " khép lại dĩ vãng " ta có tin được không? Thật ra nhưng lời hô hoán trên cộng với nghị quyết 36 chỉ là những mồi chài để người Việt Hải ngoại đem tiền về đầu tư. " Các anh thấy nhé, Phó Tổng Thống của các anh là Nguyễn cao Kỳ, nhạc sĩ PD còn thong thả trở về thì các anh có gì phải lo ngại ". Phải, đừng có lo ngại gì hết, cứ mang tiền về, gây dựng được cơ ngơi xong, chỉ việc chụp cái mũ trốn thuế, thế là các anh bỏ của chạy lấy người, ta chỉ việc nhẹ nhàng tiếp thu thôi.

    Một người nữa là Việt Quang viết có hơi buồn cười: "giá ông ấy ( PD ) đừng bỏ kháng chiến về thành thì giờ này biết đâu ông chẳng là Bộ Trưởng Văn Hóa ". Giả như PD còn ở lại đó thì thật là một mất mát to lớn cho Việt Nam, làm sao có được những bài hát rung động lòng người trong những ngày ông sống ở miền Nam, ở lại, chắc ông sẽ là một Tố Hữu trong âm nhạc, cùng lắm có được vài bản nhạc đại loại như " Cô gái vót chông " hay " Tiếng đàn Ta Lư ", ở lại, với khả năng phổ thơ tuyệt vời, ta sẽ khốn khổ nghe những bài hát như :" yêu biết mấy khi nghe con tập nói, tiếng đầu lòng con gọi Sít ta Lin "... Để mong được sự chiếu cố, mong lấy lòng nhà nước CS, Phạm Duy đã trơ tráo nói:" bọn ở Hải ngoại bảo tôi là người chống Cộng? chống gì, tôi chỉ có chống gậy thì có", hình như ông ta không cho là mình đã làm những bài nhạc tôi dẫn chứng ở trên, hoặc ông ta có thể nói với bọn VC là những bài nhạc đó là của một PD thời kỳ sai đường lạc lối, lúc " chưa đủ chín chắn", để chúng tin ông hơn, ông ta đã thốt lên những lời như thế này:" Ba mươi năm (1975 - 2005), một đêm dài, tỉnh dậy thấy mặt trời, tôi đã quên tất cả," quên gì, lạ thật, quên bao nhiêu năm tháng êm ấm ở miền Nam, nơi nuôi dưỡng ông để viết nhạc? quên cả những lời chửi bới bọn chúng hay sao! với một người dễ quên tất cả như vậy, có đáng tin không? biết đâu, một ngày nào đó, sau vài năm sống ở VN, ta lại nghe ông ta thốt lên: " mấy năm, một đêm dài, tỉnh dậy thấy mặt trời, nhưng mặt trời u ám quá, tôi lại quên tất cả". Ta có mở rộng vòng tay ra nữa không, có thể nhưng ngán ngẫm quá. Như vậy suy ra, Trịnh công Sơn, Văn Cao... hóa ra lại là những người có tư cách hơn Phạm Duy nhiều, họ đã chọn một lý tưởng cho họ, nhưng khi biết là điều họ chọn đã không đúng, họ cam chịu, không trâng tráo lật lọng, không thò lò muôn mặt. Để được VC cho về mạnh mẽ hơn, PD đã lải nhải:" bọn họ bảo là tôi ở phía họ, nay sao lại bỏ đi, tôi ở phía họ bao giờ?", với tư cách con người như vậy, ta cũng chẳng nên buồn, khi ông ta cầm cái hộ khẩu tên ông ta, chụp hình cười toe toét như có ý nói rằng ta đã tìm được chân lý, được nhà nước chính thức chấp nhận cho ta trở về rồi đấy, ôi mừng lắm thay.

    Không những tráo trở mà còn ươn hèn, ông ta đã cúi đầu nghe những lời khuyên bảo như một người Công giáo thành khẩn lắng nghe sự khuyên bảo của ông Cha khi vừa xưng tội xong, ông vâng dạ với những người mà năm xưa khi ông theo kháng chiến, những người này chưa ra đời, những kẻ trong ban Văn hóa Thành phố chỉ bằng một phần ba tuổi đời của ông, cũng may, những người này không biết nhiều về ông, còn lớp cùng tuổi như ông, lớp người căm thù ông thì nay đã chết cả rồi, nếu không, chưa chắc ông đã được về. Ông ta không có được một chút đởm lược như Hoàng Cầm :" tôi bỏ đảng, họ không cho, bắt tôi phải làm đơn xin, tôi không xin, muốn bỏ là bỏ "

    Tôi có coi cuốn DVD Ngày Trở Về của ông trình diễn tại Sài Gòn mà ông là người dẫn giải chương trình(MC), tôi thấy tội nghiệp cho ông khi cố kể lể những gì mình từng tham gia thời kháng chiến, nhất là những bản nhạc chẳng dính líu gì tới kháng chiến như bài Thuyền viễn xứ, bài hát được phổ từ thơ của Huyền Chi mà câu" sóng Đà Giang, thuyền qua xứ người", ông bảo rằng thuyền đã lầm lỡ đi ra xứ người( Hải ngoại), giờ quay trở về, tội nghiệp thay, thời của nhà thơ Huyền Chi thuyền có đi xa lắm thì cũng chỉ là đi sang làng bên hay tỉnh bên, thế đã là viễn xứ rồi, làm gì mà thuyền có thể đi qua xứ người như Mỹ. Cũng vậy, bài Quê nghèo của ông, ông rên rỉ rằng lời bài hát đó thực ra nó như thế này:"... bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh" mà từ trước ta chỉ biết lời hát đó như sau:" bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi", cho là lời hát nguyên thủy ông làm lúc theo kháng chiến thì nó là như vậy, nhưng tội nghiệp cho ông, cố gắng kể lể nhưng khi hát câu đó, Quang Linh vẫn hát: bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi". Có xấp mình xuống, đọc hàng ngàn kinh ăn năn tội, ông cũng không thể làm sạch mình được, không sạch với bọn chúng, còn thì dơ bẩn vô cùng với những người trước giờ đã ngưỡng mộ ông. Trước đây, tôi cứ nghĩ rồi ông sẽ đi vào văn học sử, nhưng nay, có điều cần suy nghĩ lại, lịch sử sẽ phán xét, có nhiều người ở đây vẫn còn ngưỡng mộ nhạc của ông, đúng ra ông xứng đáng có tên trong văn học sử, Hữu Loan chỉ có một bải thơ mà còn được người đời nói nhiều như vậy huống chi cả một gia tài nhạc đồ sộ của ông, nhưng nay, người ta có chút ngại ngần khi muốn nêu tên ông.

    Chắc chắn cái chết của ông, nhà nước CSVN không nói gì nhiều, ai lại vinh danh kẻ phản bội mình, cho về nước đã là cố gắng lắm rồi, còn ca tụng ư, không bao giờ, có lẽ ông cũng sẽ chẳng được ai xưng tụng mình, cả phía bên này lẫn phía bên kia vì sự tráo trở của ông. Từ ngày ông về, không biết có sáng tác được bản nào hay ho không, tôi chỉ được nghe hai bài ông viết toàn là nói về tình dục, bài thứ nhất tên " Thiên duyên tình mộng ", bài thứ nhì: Đêm hôm đó, cũng là nói về dục tính, thôi cũng được, còn hơn là ca tụng bác và đảng, có lẽ bọn chúng có căn dặn ông ta rồi, muốn làm nhạc gì thì làm nhưng có không được làm những bài nào ca tụng đảng, điều này nếu không dặn có thể PD sẽ làm, với bản chất con người như vậy thì bảo gì mà không được, nhưng chúng không cho ca ngợi vì thấy trơ trẽn quá, trước đây đã phản và chửi lại bọn chúng, giờ mà bốc thơm chẳng khác gì Judas ca ngợi Chúa.

    Dù cay đắng cùng tận với Phạm Duy. tôi phải nhìn nhận ông là một thiên tài, cho nhiều năm sau này, chưa chắc đã có được một PD thứ hai, thôi thế cũng xong, nhưng tiếc quá, ông là cây cổ thụ mà tôi hằng ngưỡng phục, có thể về sau người ta vẫn hát nhạc của ông nhưng lời hát làm người ta bớt rung động đi nhiều, cũng tiếc quá, không biết ông có đọc cuốn:" Hồi ký của một thằng hèn" của Nhạc Sĩ Tô Hải không? nay ông chết rồi, giá ông sống thêm được ít nữa, biết đâu chúng ta lại chẳng có dịp đọc một cuốn Hồi ký nữa, đó là cuốn Hồi ký: Sự trở về của một thằng hèn. Duy Quang, con ông vừa mới chết, chết vì nghe theo ông về VN để lây bệnh viêm gan, một thứ bệnh rất phổ biến ở VN, nay tới ông, người ta bảo nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng có những cái tận cần phải nói. Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi.

    TRẦN NHƯ XUYÊN
    ---------------
    Tác giả gửi trực tiếp đến VAOL

    ---oOo---

    Phạm Duy: 'Tôi về đây là vì tôi yêu nước'

    Nhạc sỹ Phạm Duy kể lại những biến cố trong cuộc đời mà ông đã trải qua, từ cuộc di cư từ Bắc vào Nam, các sự kiện Mùa Hè đỏ lửa, tháng 4/1975 và chuyến vượt biên lênh đênh qua Hoa Kỳ của ông.

    Nhạc sỹ Phạm Duy

    Trong phần II của cuộc trao đổi với BBC, chương trình Bấm Your World, ông cũng dành thời gian nói về quan điểm sống, quan niệm sáng tác, về kỷ niệm của nhiều ca khúc và đặc biệt nói về chuyến trở về Việt Nam sau hàng chục năm sống ở xứ người

    BBC: Ông rời Việt Nam sang Mỹ năm 1975, ông có thể kể về toàn bộ chuyến đi và thời gian ông ở Mỹ được không?

    Cũng vất vả lắm, nhưng cũng xong rồi. Đầu tiên tôi cũng không đi đâu được cả, bởi vì lúc đầu chỉ có 250.000 người Việt Nam ở rải rác khắp nơi, nhưng rồi nó lên đến 2 triệu người, thì tôi đi hát cho những người đó nghe.

    BBC: Ông ở Philippines bao nhiêu lâu trước khi đến Mỹ?

    Ở trong trại tị nạn hồi đó, đáng lý ra tôi phải đi ra ngoài ngay. Nhưng tại vì lúc đó tôi bị kẹt vì mấy người con còn ở lại. Thành ra tôi cũng nán lại. Nhưng hình như chỉ ở độ 3 hay 4 tháng thôi. Đi sang bên đó vào đầu tháng Năm, thì vào tháng Tám, tháng Chín thì tôi ra khỏi trại.

    BBC: Và khi ông tới Mỹ thì có vấn đề gì không?

    Không, không có vấn đề gì. Tôi không có coi cái gì là quan trọng cả. Tất cả giản dị lắm.

    BBC: Khi đi Mỹ thì ông có tâm trạng như thế nào, ông có buồn không?

    Đi Mỹ, phải đi Mỹ, thì vừa buồn, vừa vui. Buồn là vì phải bỏ nước ra đi, mất luôn cả mấy cái nhà nữa. Nhưng đi thì cũng là cơ hội để mình đi xem quốc tế, thế giới ra sao, lại vui.

    BBC: Khi đi Mỹ, ông xuất bản cuốn “Musics of Vietnam” ra sao và việc biểu diễn âm nhạc của ông ở Mỹ thế nào?

    Cái đó tôi viết lâu rồi, nhưng khi sang tới Mỹ, lúc đó mới kịp in ra. Cuốn “Musics of Vietnam” tôi viết từ lâu. Tôi đi gần như khắp nước Mỹ. Khổ nỗi là lúc đó tôi đã già rồi, đã trên 50 tuổi rồi, không đủ sức khỏe để đi nhiều thôi. Nhưng tôi sang bên đó, thì tôi đi hát chung với những người nhạc sỹ, ca sỹ Mỹ. Và đồng thời gia đình tôi cũng có mấy người đi hát với tôi. Hồi đó Khánh Ly cũng đi hát chung trong nhóm của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đi luôn.

    BBC: Thời gian ông đi Philippines, ông đã viết “Tị nạn ca”, “Nhục ca” đúng không?

    Những bài đó là bài soạn ra trong lúc hoảng hốt, không nên nhắc đến. Tôi quên rồi.

    BBC: Khi ông về lại Việt Nam, phản ứng của chính quyền thế nào, có vấn đề gì không?

    Đi Mỹ, phải đi Mỹ, thì vừa buồn, vừa vui. Buồn là vì phải bỏ nước ra đi, mất luôn cả mấy cái nhà nữa. Nhưng đi thì cũng là cơ hội để mình đi xem quốc tế, thế giới ra sao, lại vui"
    Rất tốt. Khi tôi về, đầu tiên, tôi xin lại, hồi tịch lại, tôi lại trở thành người Việt Nam ngay. Tôi không còn là người Mỹ nữa. Đó là một cái rất tốt. Đối với tôi và chính quyền ở đây không có vấn đề gì cả. Họ cũng thấy tất cả mọi sự trong cuộc gọi là giao tranh giữa hai miền như vậy, thì không có ai...

    BBC: Còn phản ứng của mọi người nói chung ra sao?

    Rất tốt. Là vì khi tổ chức một đêm “Ngày trở về” ở Hà Nội, thì tất cả các ca sỹ thượng thặng đều tham gia hết.

    BBC: Cảm xúc của ông khi trình diễn “Phạm Duy – Ngày trở về” ở Nhà hát lớn như thế nào?

    Tôi rất mừng vì bao nhiêu năm nay, tôi tưởng người Việt Nam không ai còn hát nhạc của tôi nữa. Tôi về, tôi thấy là họ vẫn hát nhạc của tôi như thường. Vui lắm. Tôi còn nhớ là lúc còn trẻ, tôi làm bài “Nhạc tuổi xanh”. Trong đó có một câu là “Đường ta, ta cứ đi”, thì bây giờ thì “Đường về, ta cứ về thôi.” Giản dị. Hồi đó tôi cũng thấy bình thường thôi. Tôi đã đứng hát trên sân khấu Nhà hát lớn cách đây gần 60 năm rồi. Bây giờ tôi trở lại, tôi cũng vui chứ. Chỉ có vấn đề là hát không có hay như ngày xưa thôi, dở lắm.

    BBC: Được biết là chỉ có 10% bài hát của ông được cho phép ở Việt Nam, cái này đúng không?

    Đúng rồi, nước nào người ta cũng có những quy định về vấn đề cho phép hay không cho phép. Nói cho đúng ra, sở dĩ tôi chỉ có 1/10 sáng tác của tôi thôi, là cũng giản dị là vì tôi không đứng ra xin phép. Nếu tôi xin phép, có thể họ cũng cho ra đấy. Nhưng ở đây phải xin phép mới được. Thế thôi, không có gì khó cả. Rất giản dị. Những người ngoài thấy là hơi bất bình là vì tại sao tôi nhiều bài như vậy mà chỉ cho tôi có 100 bài thôi. Nhưng khổ nhất vấn đề là tôi phải đứng ra tôi xin thêm thì người ta mới cho chứ. Không xin thì người ta không cho.

    BBC: Ông có không băn khoăn gì về chuyện phép tắc đó không?

    Tôi nói rằng tôi về đây, cứ hát một bài của tôi là cũng xong rồi. Đừng nói là được hát 100 bài. Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi.

    BBC: Ông có viết một số bài gọi là “Hương ca” nói về cảm xúc của ông khi về nước đúng không?

    Đúng, những bài đó là tâm tình của tôi đấy. Lúc tôi về nước, tôi làm 10 bài hương ca. Nhưng mới xin phép được 5 bài thôi. Bởi vì tôi chỉ mới xin phép 5 bài thôi. Ví dụ như bài “Hương rừng Cà Mau”. Đây là bài thơ của một thi sỹ tên là SơnNam. Tôi làm một bài để xưng tụng những người đầu tiên đi khai phá miềnNam.

    'Đang xin phép'

    BBC: Trước đây ông có một trường ca rất nổi tiếng là “Mẹ Việt Nam,” tác phẩm này có được phép không?

    “Mẹ Việt Nam” và “Trường ca Miền Nam” là hai bài đang xin phép. Cũng mới gửi đi xin phép, thành ra không thể nói gì hơn được nữa. Nếu mà được thì càng tốt, bởi vì những bài đó xưng tụng sự thống nhất của đất nước và con người.

    BBC: Ngoài bài “Mẹ Việt Nam”, cũng có bài “Việt Nam, Việt Nam”, Việt Kiều ở Mỹ nghĩ gì về bài đó?

    Người Việt Nam ở Mỹ, hay đi hải ngoại rồi, muốn nghĩ gì thì nghĩ, tôi không quan tâm. Bởi những người đó vẫn còn nuôi oán thù. Mà tôi chủ trương là sau 30 năm trời, thì phải đến các lúc mà có sự hòa hợp dân tộc. Thì phải thế thôi. Thế còn người nào cất tiếng lên chửi bới nhau chỉ vì đi về Việt Nam không thôi, thì tôi không nói chuyện với họ. Muốn nghĩ gì thì nghĩ. Khi tôi làm bài đó ra, tôi đâu có nghĩ đến trường hợp đến một ngày nào đó, có một người Việt Nam ở bên Mỹ lại hát bài đó. Tôi chỉ làm ra thôi. Cái tình cảm của tôi lúc đó vẫn là hòa hợp dân tộc.

    BBC: Ông viết “Mẹ Việt Nam” năm 1965, tại sao lúc đó ông lại muốn viết bài này?

    Đầu tiên nước Việt Nammình sinh ra là một nước theo chế độ mẫu hệ. Tức là xưng tụng người đàn bà nhiều hơn. Tôi cũng dựa vào cái đó để tôi nói về lịch sử ViệtNam. Lịch sử Việt Namthì cũng có những lúc chia rẽ nhau như thời Trịnh – Nguyễn phân tranh chẳng hạn. Thế nhưng cũng có thời họ thống nhất. Nước Việt Nam mình đã có thời kỳ chia cắt, thì phải có lúc thống nhất thôi.

    BBC: Có người nói ông có công lớn với âm nhạc Việt Nam, ông nghĩ sao?

    Không, không nói công với tội gì cả. Tôi sợ những cái đó. Ai khen tôi hay ai chê tôi, tôi đều sợ cả. Vì tôi làm việc cũng như người làm ruộng thôi. Làm ruộng thì phải cấy lúa, làm nhạc thì phải đánh đàn, giản dị thế thôi.

    BBC: Có một số bài chưa nói tới như “Gánh lúa.”

    Ô, bài ấy hay lắm. Bài ấy vui lắm. Bài ấy là bài cuối cùng của tôi làm trong khi còn ở Kháng chiến. Bài ấy tôi diễn tả một đoàn người nông dân đi gánh lúa để nuôi lính, nuôi quân. Hay lắm. Khi tôi hát bài dân ca, thì cũng có khi có những người hát thay tôi bài “Gánh lúa”. Nếu tôi không nhầm, thì tôi giữ được nhiều “versions” của những người này, người họ hát. Họ hát hay lắm, rất ViệtNam.

    BBC: Rất nhiều ca sỹ đã trình bày các bài hát của ông, ông nghĩ gì về họ?

    Nhiều lắm. Thái Thanh suốt đời hát nhạc của tôi. Còn Khánh Ly cũng hát. Ai cũng hát hết, những người nhạc sỹ già đó. Còn những người nhạc sỹ trẻ như Tấn Minh hay Đức Tuấn hay Mỹ Linh cũng đều hát nhạc của tôi hết. Tất nhiên là họ hát những bài đã được phép. Nước nào cũng có quy luật của nó chứ. Anh làm sao đi quá luật được.

    BBC: Từ đầu 1960 so với Tết Mậu Thân, thì nhạc của ông có thay đổi không?

    Cái đó thì phải để người khác người ta phê bình, chứ tôi không biết. Tôi chỉ biết làm thôi. Đại khái như bài nhạc của tôi làm hôm nay nó khác với bài trước như thế nào, thì tôi chịu chết (không thể biết được). Tôi không thể giải thích được. Người khác giải thích hộ tôi.

    BBC: Nhưng có một số bài nói về thiên nhiên vào những năm 1950 và đầu 1960, như là bài ca “Sao” và “Chiều về trên sông”, ông có thể nói gì về quan hệ thiên nhiên và âm nhạc?

    Lúc đó là lúc tôi bỏ qua trường hợp nhìn vào đất nước Việt Nam. Tôi muốn nhìn vào cuộc đời nhiều hơn. Tôi nói những câu chuyện về “Bài ca sao”, “Bài ca Trăng”, thì nó vượt ra khỏi nước Việt Nam rồi.

    BBC: Từ năm 1954-1975 ở miền Nam, không khí âm nhạc thời đó như thế nào?

    Tôi không nhớ được, quên rồi. Thời cuộc của Việt Nam thay đổi nhiều quá, thành ra tôi cũng quên mất.

    BBC: Nhưng khi ông hát “Tâm phẫn ca”, sinh viên nghe thì họ thấy sao?

    Cái đó thì họ phải thích chứ. Bởi vì cái đó cũng nói lên được lòng căm giận của họ cũng như của tôi, là vì chiến tranh kéo dài quá.

    BBC: Về âm nhạc mà ông đã sáng tác sau khi về Việt Nam năm 2005, ông có thể nói về trường ca về “Minh họa Kiều”?

    Về đây tôi mới sáng tác được toàn vẹn “Minh họa Kiều”. Vì “Minh họa Kiều” dài lắm. Nó dài phải đến hơn 2 tiếng đồng hồ mới hết. Tôi mới làm được 3 phần, về đây tôi làm nốt là phần thứ tư, về đây mới làm được, xong rồi. Tôi làm “Hương ca” là bản nhạc mới. Rồi tôi làm thêm những bài nhạc phổ thơ của thi sỹ Bích Khê. Đó cũng là những cái mới hết. Muốn biết nó ra sao thì phải mua đĩa để nghe thôi.

    Trong “Hương ca” nó nói gì? Nó nói về tình yêu nước. Mà yêu nước của Việt Nam nay nó khác với yêu nước của ngày xưa rồi. Ngày xưa tôi làm bài “Tình hoài hương” là vào 1950, thì cái đẹp của đất nước nó khác cái đẹp của bây giờ. Ví dụ như là ngày xưa còn có những người đàn bà con gái răng đen, và đồng thời ăn mặc quần áo nâu. Bây giờ người con gái, anh đi về vùng quê anh coi, họ mặc hoàn toàn giống như những người mới, chứ không phải như người cũ nữa. Vậy thì tình cảm của tôi cũng phải khác đi.

    BBC: Ông chọn một bài thơ để phổ nhạc như thế nào, ông có thể cho một vài ví dụ?

    Tại sao tôi chọn bài thơ của ông Hoàng Cầm, là vì lúc đó ông Hoàng Cầm là nhà vô địch của những bài thơ kháng chiến. Tại sao tôi lại phổ thơ của ông Phạm Thiên Thư, là vì lúc đó, ông Phạm Thiên Thư đưa ra những loại nhạc lúc đó gọi là “Đạo ca”, là những cái mới hết. Ông Nguyễn Tất Nhiên là những bài ca ngộ nghĩnh, vui vẻ. Tôi chỉ có thể nói thế được thôi, còn đi vào chi tiết, không thể nói được.

    BBC: Còn các bản “Tị nạn ca” thì sao?

    “Tị nạn ca” là những bản nhạc nói chung về những vấn đề những năm không còn ở trong nước nữa. Đó là tị nạn chứ gì. Thế nhưng xong rồi thì tôi thấy là nó là những bản nhạc hơi “ảo ảnh quê hương”, chứ không phải là bản nhạc thật. Ngồi ở Bridgeway City mơ tưởng đến cánh đồng Việt Nam, thì nó hơi vô duyên quá (non-sense). Sau tôi quyết định tôi không nhắc đến nữa.

    BBC: Giáo sư Trần Văn Khê sẽ viết về những tác phẩm nào của ông không?

    Tôi không biết, chỉ biết là ông ấy đã viết được trên 100 trang rồi.

    BBC: Ông là người rất nhạy về công nghệ, nhất là ứng dụng cho âm nhạc, ông đã sản xuất một CD đầu tiên ở Mỹ. Ông có thể nói gì về chuyện này?

    Giản dị thôi, ngày xưa, tôi đi học ở trường Kỹ nghệ thực hành, thành ra những cái gì thuộc về vấn đề kỹ thuật, tôi thích lắm. Khi có được thời đại computer, năm 1982 là lúc computer ra đời, thì tôi vội vàng học ngay rồi. Từ đó tới nay, tôi áp dụng vào trong sáng tác nhạc, thì rất tốt. Nếu tôi không đi học được kỹ thuật, thì tôi không hiểu biết được kỹ thuật mới. Tôi nghĩ là tôi may mắn hơn những người khác là tôi thấy ngay được cái hay, cái ích lợi của computer và tôi dùng nó ngay.

    BBC: Ông biết gì về phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”? Âm nhạc của phong trào này khác gì với nhạc của ông?

    Không, tôi không làm loại đó. Cái loại đó của người khác làm. Ông Tôn Thất Lập thì phải. Không phải tôi. Tôi không biết. Tôi không được nghe những bài đó. Tôi có biết là ông ấy có làm những bài hát là “Hát cho đồng bào nghe”, nhưng tôi không có ở trong tay để biết là bài đó ra sao. Tôi không dám phê bình.

    'Sức mấy mà buồn'

    BBC: Âm nhạc ở miền Nam Việt Nam ngày xưa có rất nhiều luồng, quan hệ giữa chúng ra sao?

    Tôi cũng biết hết đấy, nói cho nó ngay ra mà nói là không biết thì không đúng, nhưng mà biết, nhưng nó không ảnh hưởng đến tôi gì cả. Tôi kính trọng những bài đó, thế thôi. Tôi không chê mà tôi cũng không khen.

    BBC: Mục đích nhạc của ông những năm 1960 là gì?

    Vẫn là con đường cũ tôi đi theo. Tức là vấn đề “khóc, cười theo mệnh nước”, lúc nào nước vui, thì tôi cười, thế còn lúc nào nước buồn thì tôi khóc.

    BBC: Có sự kiện nào trong lịch sử làm cho ông buồn?

    Không bao giờ tôi buồn cả, bởi vì tôi có bài hát gọi là “Sức mấy mà buồn”. Không bao giờ tôi buồn cả. Buồn làm gì, vô ích. Nếu có buồn, thì cũng chỉ buồn đại khái thôi, nói cho nó vui thôi chứ, không bao giờ tôi bị buồn cả.

    BBC: Nhưng có một số bài buồn như là “Ngậm ngùi”?

    “Ngậm ngùi” thì đâu có buồn. Đó là một bài hát an ủi. Ông ta làm thơ như vậy để khuyên mọi người trở về với đời sống bình thường thôi. Thì đó là an ủi nhau thôi chứ không có gì mà buồn.

    BBC: Bài “Quê nghèo” chẳng hạn?

    “Quê nghèo” thì thực sự là buồn. Đó là bởi vì chiến tranh. Tôi làm bài “Quê nghèo” đó là người ở quê là người dân nghèo, đói nhất ViệtNam, lại còn bị chiến tranh nữa. Thì tôi diễn tả đó thôi.

    BBC:Bài “Quê nghèo” thì ông diễn tả điều gì?

    “Tôi không xa kinh kỳ sáng chói”, có những ông già “Cày bừa thay trâu” thì khổ quá. Đó là một bài mà nhiều người Việt Nam rất cảm động, rất thích, là bởi vì tôi nói được những cái đó lên.

    Theo BBC

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728