Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Lưỡi bò TQ và lưỡi Nguyễn Tấn Dũng

    Nguyễn Thu Trâm

    Đường lưỡi bò Trung cộng xuất xứ là Cửu đoạn tuyến, còn gọi là Đường chữ U, là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực biển Đông mà Trung cộng chủ trương nhằm để biến cả Biển Đông thành ao nhà của mình.

    Đường chín đoạn được hình thành dựa trên cơ sở “đường mười một đoạn” của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Đường mười một đoạn là đường quốc giới trên biển Đông do mười một đoạn liên tục tạo thành, xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ đồ “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc” do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tức Trung cộng sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên biển Đông theo “đường mười một đoạn” của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ và trở thành “đường chín đoạn”.

    Cũng cần nhắc lại rằng Ngày 15 tháng 6 năm 1956, hai tuần lễ sau khi Việt Nam Cộng Hoà (RVN) tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, thì tại Bắc Việt, Thứ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (DRV) đã nói với Ban Thường Vụ của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (PRC) rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam thì quần đảo Hoàng Sa (Xisha) và quần đảo Trường Sa (Nansha) là một bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung quốc”. Rồi hai năm sau đó, Trung cộng đã ra bản tuyên bố xác định lãnh hải của họ. Bản tuyên bố này đã vạch ra rõ ràng khoảng khu vực của lãnh hải Trung quốc có bao gồm cả Trường Sa. Để đáp lễ, Thủ tướng Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (DRV), Phạm Văn Đồng đã gởi một bản công hàm đến Thủ tướng Trung cộng Chu Ân Lai, vào ngày 14 tháng 9 năm 1958 nhấn mạnh rằng “Chính Phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tán thành và tôn trọng quyết định này”. Bản Công Hàm này của Phạm Văn Đồng chính là cơ sở để Trung Cộng khẳng định quyền sở hữu đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đối với cả đường Lưỡi Bò và cũng là nguyên nhân chính của những tranh chấp, xung đột nổi lên trong quan hệ Việt Nam và Trung Cộng trong thời gian gần đây, như việc Trung cộng cản trở hợp đồng của British Petroleum (BP) với Việt Nam tại khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn năm 2007, cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam năm 2008, vụ tàu Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam năm 2007, vụ căng thẳng giữa tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ với một số tàu Trung Quốc đầu năm 2009 v.v… đều nằm trong ranh giới đường chín đoạn trên biển này.

    Ngày 23 tháng 6 năm 2012, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Cộng công bố mời thầu quốc tế với chín lô dầu khí. Các lô dầu khí này, chiếm diện tích tới 160.129 km2, thuộc nội vùng biển của đường chín đoạn nhưng nằm sâu trên thềm lục địa của Việt Nam. Chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí cùng đối tác của mình.

    Sau vụ đụng độ giữa Hải quân Trung cộng và Hải quân Việt Nam năm 1988, một số học giả Trung Cộng tuyên bố rằng ranh giới chín đoạn là ranh giới biển lịch sử của Trung Cộng. Tại cuộc Hội thảo lần thứ nhất về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông tổ chức tại Hà Nội tháng 3 năm 2009, báo cáo của ông Hoàng Việt thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông, đã phân tích các yêu sách của Trung Quốc về khu vực “đường lưỡi bò” theo luật quốc tế, khẳng định đường lưỡi bò vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Cho nên chỉ một ngày sau khi Trung cộng trình tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trên Biển Đông lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngày 7 tháng 5 năm 2009, nhiều quốc gia liên quan trong khu vực gồm Việt Nam, Malaysia và tiếp đó là Indonesia đã phản đối, bác bỏ.

    Đó là Lưỡi Bò Trung Cộng, một vấn đề còn nhiều tranh cãi tranh chấp, và chắc chắn là còn tốn nhiều giấy mực của những người quan tâm.

    Về phía Việt Nam, mặc dù người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện nay là ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố trước Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam vào ngày 25 tháng 11 năm 2011 rằng: “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình, năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật biển. Đối với quần đảo Trường Sa, năm 1975 hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này – vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất… Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có 6 nhân khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này. Việt Nam chủ trương nghiêm túc thực hiện công ước Luật biển, công ước ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký với Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm để gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực này. Việt Nam cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật ở những nơi đang đóng giữ, để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ đối của quân dân trên đảo Trường Sa”.

    Đó là lưỡi của Nguyễn Tấn Dũng, lưỡi của người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện thời khiến nhiều người phải suy nghĩ. Điều suy nghĩ đầu tiên khi Nguyễn Tấn Dũng xác nhận rằng: “năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp.” Như vậy chính phủ cộng sản Bắc Việt thuở ấy cũng hiểu rằng Hoàng Sa là một hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, vậy Phạm Văn Đồng và chính quyền cộng sản Bắc Việt lấy tư cách gì để tán thành quyết định lãnh hải 12 hải lý của Chu Ân Lai, để Hoàng Sa, Trường Sa và cả toàn bộ hải phận của Việt Nam đều trở thành của Trung cộng? Rằng với công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cộng sản Hà Nội đã dâng hết hải phận Việt Nam cho Trung cộng như thế, người Việt Nam chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định rằng chính phủ cộng sản Việt Nam đã bán nước có văn tự, có công hàm được hay chưa?. Vấn đề cần suy nghĩ tiếp theo là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng: “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam…” cớ sao khi xây dựng thành phố TAM SA Trung cộng đã công khai khẳng định rằng Hoàng Sa – Trường Sa và Việt Nam là thuộc chủ quyền của Trung cộng mà phía chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không có bất cứ một động thái tích cức nào để phản bác lại điều đó. Tại sao nhà nước Việt Nam không những không tổ chức cho người dân Việt Nam biểu tình chống trung cộng xâm lược mà lại còn ngăn cấm, bắt bớ những người tham gia biểu tình chống giặc ngoại xâm? Tại sao những bích chương, khẩu hiệu của người dân việt “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM” đều bị ngăn cấm, những người lưu hành và phổ biến những khẩu hiệu như trên đều bị bát bớ tra tấn? Phải chăng chính quyền cộng sản Việt Nam muốn người dân Việt Nam phải nói rằng “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA TRUNG CỘNG”? rằng “BIỂN ĐÔNG LÀ CỦA TRUNG CỘNG” hay sao?

    Thật là ô nhục khi Hội Nghị Trung Ương 6 vừa kết thúc, và một tháng sau, khi gặp Tập Cận Bình, Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rằng: “Trên tinh thần đồng chí, anh em và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, hai bên cần bàn bạc, thảo luận, đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.”

    Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xảy ra cùng lúc với chủ trương của Nhà nước tiếp tục sách nhiễu, trấn áp người dân phản đối động thái hung hãn và tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi nói “không để vấn đề về biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”, ông Nguyễn Tấn Dũng ít nhất gián tiếp cho Trung Quốc biết là lãnh đạo Việt Nam đặt quan hệ giữa hai nước lên trên tranh chấp chủ quyền.

    Ông Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam có biết rằng “Lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng cho thấy rằng sự yếu kém của lãnh đạo, của nhà nước, sự phân hoá trong xã hội, là yếu tố mời gọi ngoại bang xâm phạm chủ quyền, thôn tính lãnh thổ của một nước.” ?

    Và, như để đáp trả lại thiện chí của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trung cộng không ngừng đẩy mạnh các hoạt động phi pháp của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa qua việc làm cho thế giới bất ngờ bởi một động thái ngoại giao: Công bố hộ chiếu của công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có in hình đường lưỡi bò ôm trọn 80% diện tích biển Đông-vùng biển đã và đang trở thành điểm nóng tranh chấp giữa Trung cộng và các nước Asean bao gồm Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei, mà theo tờ Daily Telegrap ngày 22/11/2012, Trung cộng đã cấp khoảng 6 triệu hộ chiếu loại này. Và điều “nguy hiểm” hơn là công dân nước họ đã bắt đầu sử dụng nó để đi sang Việt Nam. Lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đang nghĩ gì về việc này? Các ông có nhìn thấy một đại họa mất nước đang đến rất gần hay không? Sao các ông vẫn cứ giữ thái độ im lặng đáng sợ như vậy?

    Trong khi cùng thời gian này, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cùng phu nhân là bà Vương Ích Bình cùng một số các quan chức cấp cao của đảng và nhà nước Trung cộng khi đón tiếp các lãnh đạo của Đại Học Hải Dương Thượng Hải ở Bắc Kinh, đến dự kỷ niệm tròn một trăm năm của trường đại học này hôm 9 tháng 10 vừa qua, ông Giang Trạch Dân đã dõng dạc tuyên bố rằng: “thế kỷ 21 là kỷ nguyên biển” và rằng “là một quốc gia hiếm hoi tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc phải rất coi trọng việc phát triển trên biển”. Liệu các trí tuệ đỉnh cao của nhà nước cộng sản Việt Nam có hiểu được thâm ý của nhà lãnh đạo kỳ cựu của Trung cộng khi phát biểu mang tính chỉ đạo cho một chiến lược bành trướng ra biển đông của Trung cộng hay không? Riêng toàn dân Việt Nam đều hiểu được rằng Trung cộng đang chủ trương thôn tính Việt Nam và toàn dân của họ cũng đều đang đồng tình với chiến lược đó của đảng và nhà nước Trung cộng.

    Gần đây, hai chữ “ai-guo” (ái quốc), được nhắc đến nhiều ở Trung Quốc, nhất là khi đảng cầm quyền của nước này vừa tổ chức Đại hội để bầu ra ban lãnh đạo mới.

    Xin mời các trí tuệ đỉnh cao của Việt Nam nghe những phát ngôn của một số “đồng chí” trẻ của Mẫu quốc Trung cộng” rằng: “Các nước yếu như Việt Nam và Philippines không đời nào dám đối đầu Trung Quốc nếu không có giúp đỡ của Mỹ và những nước giàu như Nhật chẳng hạn.”

    “Để dạy cho chúng một bài học, thì không có cách nào khác là đánh. Phải đánh!”

    Dương Chu Hiểu thì ví von: “Mấy nước nhỏ đó mà không đánh thì sẽ tiếp tục sủa bậy, đánh thì chúng sẽ chạy thôi”.

    Còn Tôn Hải Lâm thì tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột: “Cái gì của Trung Quốc thì Trung Quốc phải lấy lại. Điếu Ngư Đài là của chúng tôi, chúng tôi phải giành lại nó. Các đảo ở Nam Hải mà Philippines và Việt Nam chiếm đóng cũng vậy“.

    Trương Khải, 25 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch thì ngạo mạn tuyên bố rằng: “Đặng Tiểu Bình đã có cuộc chiến dạy cho Việt Nam một bài học, chúng ta cần một cuộc chiến nữa.”

    “Chúng ta hãy làm như chính phủ dạy, chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng không sợ phải chiến đấu.”

    Cùng với thái độ hiếu chiến đó của những người dân Trung cộng là hành vi gây hấn trên biển Đông của đảng và nhà nước trung cộng bằng việc cắt cáp của tàu thăm do dầu khí của Việt Nam Petrolimex ở gần đảo cồn cỏ, trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách trung tâm thành phố Huế non 60 km vào hôm 03 tháng 12. Theo đó một chính sách chận bắt tàu của ngư dân Việt ngay trong lãnh hải của Việt Nam cũng sẽ được áp dụng vào tháng 01 năm 2013 sắp tới đây.

    Ôi! Nhục quá! Nhục quốc thể quá!

    Thưa các trí tuệ đỉnh cao, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta chịu đựng bao mất mát hy sinh, xương của cha ông ta đã chất thành núi, máu của cha ông ta đã chảy thành sông là để đời con, đời cháu không phải nô lệ giặc Nam Hán, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, Thanh. Và ngày nay tinh thần hào hùng của Trưng Triệu, của Ngô Quyền, của Trần Hưng Đạo, của Lê Lợi, của Quang Trung vẫn luôn cháy bừng trong tim của mỗi người dân Việt. Ải Chi Lăng vẫn còn lưu dấu tích của Lê Sát chém cụt đầu Liễu Thăng, Gò Đống Đa vẫn còn đó dấu tích của bại tướng Sầm Nghi Đống phải treo cổ để khỏi phải mất đầu và dòng Bạch Đằng Giang vẫn cuồn cuộn máu giặc Tàu từ hai lần xâm lược của quân Nam Hán và Nguyên Mông. Hào khí dân Nam bao giờ cùng bừng bừng trong từng ống máu, luồng xương, thớ thịt của mỗi người dân, sao các trí tuệ đỉnh cao lại nhu nhược lại đớn hèn, lại khom lưng, cúi đầu trước ngụy Hán Bắc phương suốt 70 năm qua, để cho chúng gặm dần đất đai bờ cõi của ông cha để lại? Các trí tuệ đỉnh cao còn tiếp tục khom lưng, cúi đầu để dâng bán hết cả giang sơn Đại Việt này cho ngụy Hán, để cho Việt Tộc phải thêm một ngàn năm nữa nô lệ giặc Tàu chăng?

    Đảng cộng sản ơi! Bao dân người dân Việt mới rửa sách nỗi nhục này?

    Ngày 07 tháng 12 năm 2012

    Nguyễn Thu Trâm

    Theo blog quynhtramvietnam

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728