Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Xem xét lại hệ thống chính trị Việt Nam

    Benedict J. Tria Kerkvliet, ANU
    Dương Lệ Chi dịch

    Dù là nhà nước độc đảng, hệ thống chính trị Việt Nam thường đáp ứng nhiệt tình đối với nông dân, công nhân và những người khác thúc đẩy cho các điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị tốt hơn.

    Thủ thướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội
    ngày 14 tháng 11, 2012 tại Hà Nội – Ảnh: APP
    Những thay đổi chính sách quan trọng trong 25 năm qua – đặc biệt là thay thế một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng một nền kinh tế thị trường và từ bỏ canh tác tập thể, ủng hộ canh tác cá thể – đã có kết quả, một biện pháp đáng kể, áp lực cho sự thay đổi từ dưới lên trên, mà lãnh đạo Đảng Cộng sản của đất nước này đã chấp nhận.

    Tuy nhiên, vẫn không rõ liệu Đảng và nhà nước Việt Nam có đang đáp ứng một cách thích hợp với nhu cầu tiếp tục cải thiện hơn nữa đời sống của đa số người dân.

    Bằng chứng về các nhu cầu đó thì rất nhiều, và hiện có thể thấy rõ hơn so với thời điểm từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990, khi người dân Việt Nam hiếm khi công khai cất lên tiếng nói bất mãn. Bây giờ, hầu như hàng ngày, người dân thường hay thể hiện sự phẫn nộ, tức giận ở các văn phòng chính phủ và Đảng Cộng sản ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác. Những người dân khốn khổ thường đi những chặng đường dài, hy vọng sẽ làm cho chính quyền tỉnh và trung ương lắng nghe việc khiếu kiện của họ, đọc kiến nghị và trả lời một cách thuận lợi đối với những lời chỉ trích của họ.

    Những cuộc tuần hành phản đối của họ, khoảng từ vài chục đến hơn một ngàn người, những người tham gia cầm áp phích, giương biểu ngữ, và phát các danh sách khiếu nại cho bất cứ ai đi ngang qua. Họ thường mặc quần áo có ghi những từ ngữ và hình ảnh tóm tắt các khiếu nại và những lời kháng cáo của họ. Những chỉ trích phổ biến nhất của những người biểu tình là chống lại các cán bộ tỉnh thành và các cán bộ địa phương tịch thu đất nông nghiệp, trả tiền bồi thường cho họ rất ít, và sau đó giao đất cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển để đổi lấy những khoản tiền khổng lồ và các lợi ích khác. Một điểm chung của những người biểu tình là các quan chức tham nhũng, không những đang ăn cắp đất của người dân, mà còn lấy mất kế sinh nhai của họ.

    Trên internet, người ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm câu chuyện, những lời bình luận và các cuộc phỏng vấn mới về các chính sách cụ thể của chính phủ Việt Nam bị chỉ trích, cũng như các văn phòng và các quan chức đặc biệt. Internet cũng có rất nhiều bài nói về các công nhân đình công đòi có được đồng lương đủ sống và cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra còn có các bài viết trên mạng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, trách cứ chính phủ Việt Nam không có hành động gì thật sự để chống lại các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam và khai thác tài nguyên thiên nhiên Việt Nam.

    Chính quyền có chăm chú lắng nghe những người này và những lời chỉ trích chính trị khác của công chúng, họ có đáp lại một cách đồng cảm và có trách nhiệm [với dân] hay không? Một số thì có, nhưng theo các cuộc thăm dò quốc gia và các nguồn thông tin khác cho thấy, một bộ phận lớn các quan chức chính phủ thì không.

    Chính quyền đặt tường lửa chống lại các trang mạng trên internet có nội dung trái với quan điểm chính thống. Không chỉ các blog của những nhà phê bình người Việt là mục tiêu [bị tấn công], mà Facebook và các trang web tiếng Việt của BBC, RFA, RFI và một số phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới cũng là mục tiêu. Trong khi một người Việt Nam hiểu biết về công nghệ có thể tìm cách để vượt qua những trở ngại mà chính phủ tạo ra, nhưng nhiều người dân khác đang bị chúng gây cản trở.

    Tham nhũng được cho là ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở cấp địa phương, mà còn ở các cấp cao nhất. Các chiến dịch của chính phủ, các chỉ thị và những bài phát biểu chống tham nhũng ảnh hưởng rất ít trong nhiều năm qua. Một lý do quan trọng mà các nhà phê bình lập luận, thậm chí một số đại biểu Quốc hội Việt Nam, là các cơ quan phụ trách chống tham nhũng, hoặc là bỏ qua hoặc chính họ cũng tham nhũng. Một số người Việt thạo tin nói rằng, ngay chính thủ tướng cũng có những quan chức tham nhũng bao quanh ông ta, và nhiều lời đồn đại rằng ông ta quá giàu, tài sản vượt xa số tiền lương của ông là một công chức suốt đời có thể kiếm được.

    Thu hồi đất (thường có tham nhũng đi kèm) là nguyên nhân của hơn 70% các đơn khiếu nại mà các văn phòng chính phủ Việt Nam đã nhận được trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi luật đất đai, mà chính phủ phổ biến trong tháng 9, giải quyết rất ít nhu cầu trọng tâm của các nhà phê bình rằng không nên lấy đất của nông dân để phục vụ lợi ích của các nhà phát triển và các nhà đầu tư. Họ lập luận rằng nếu đất có bị tịch thu thì phải vì lợi ích chung – ví dụ như để xây dựng một đường cao tốc hay một căn cứ quân sự quan trọng – nông dân cần đền bù công bằng và thỏa đáng.

    Về mối quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam nói rằng họ đang sử dụng các kênh ngoại giao để đối phó với sự xâm nhập bất ngờ của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục công khai tán dương Trung Quốc như một người bạn thân thiết của Việt Nam, đối đãi các quan chức Trung Quốc với sự tôn trọng tối đa và nghi lễ trang trọng. Trong khi đó, các nhà chức trách Việt Nam lại đe dọa công dân của mình, những người tham gia một số cuộc biểu tình có hàng trăm người suốt hai năm qua, chống lại Trung Quốc lợi dụng Việt Nam. Gần đây, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh xử hai người phản đối, hai người này đã sáng tác các bài hát chỉ trích phản ứng của chính quyền để Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở Biển Đông (Nguyên văn: Nam Hải) và kêu gọi người Việt tham gia các cuộc biểu tình để phản đối. Tòa án tìm thấy hai người phạm tội tuyên truyền chống nhà nước và kết án một người 4 năm tù và người kia 6 năm tù giam. Việc kết án này chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy nhà chức trách Việt Nam đang bắn vào người gửi thông điệp, thay vì đối phó với những lời than phiền và chỉ trích chính đáng của người dân.

    Vẫn còn hy vọng chính phủ Cộng sản Việt Nam sẽ phản ứng có trách nhiệm hơn và bớt hà khắc hơn, mặc dù triển vọng ít lạc quan hơn bây giờ so với quá khứ.

    Benedict J. Tria Kerkvliet là Giáo sư danh dự tại Khoa Thay đổi Xã hội và Chính trị, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Chiến lược và Chính trị, Đại học Quốc gia Úc.

    Theo Blog anhbasam

    -----------------------------

    Nguồn: Reconsidering Vietnam’s political system - East Asia Forum

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728