Việc thực thi pháp luật ở VN: Phải cải tạo từ gốc rễ của vấn đề
Kami
Chiều thứ sáu 7.9.2012, TAND TP.HCM đã tuyên bản án cho nhà báo Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ do đã phạm tội “đưa hối lộ” và phạt nhà báo Hoàng Khương với mức án 4 năm tù giam. Trong phần nói lời sau cùng tại tòa, nhà báo Hoàng Khương đã thừa nhận những sai sót trong tác nghiệp của anh đã gây ảnh hưởng đến uy tín tờ báo và ngỏ lời xin lỗi ban biên tập và đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ. Đây là một phiên tòa được thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí và nhiều người dân, đặc biệt là các đồng nghiệp làm báo. Vì nhà báo Hoàng Khương chính là tác giả của hai bài điều tra “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” được đăng báo Tuổi Trẻ vào tháng 7-2011 đã từng gây xôn xao dư luận.
Bản án 4 năm tù giam của nhà báo Hoàng Khương vô tình đã trùng với mức án của Trung tá công an Vũ Văn Ninh, người đã đánh chết (đánh gãy cổ) và bỏ mặc nạn nhân (ông Trịnh Xuân Tùng) trong tình trạng nguy hiểm cho đến chết tại đồn công an Thịnh Liệt trong khi thi hành công vụ. Điều này đã khiến nhiều người đã đặt câu hỏi về tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật đối với hai nhân viên nhà nước khi thi hành công vụ? Một vụ án là nhà báo Hoàng Khương, xuất phát từ trách nhiệm người làm báo trong việc tham gia chống tệ nạn mãi lộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, vốn đã và đang là vấn nạn nhức nhối khiến nhiều người dân mong muốn chính quyền ra tay xử lý và dẹp bỏ kiên quyết. Một vụ án là Trung tá công an Vũ Văn Ninh đã vô cớ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm khi lưu hành phương tiện xe máy. So sánh hai vụ án trên để thấy hành vi phạm tội đưa hối lộ của nhà báo Hoàng Khương dẫu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng hành vi này mang tính tích cực, với mong muốn góp phần vào việc chống tham nhũng, một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà đảng CSVN và nhà nước luôn đề cao và kêu gọi. Hành vi đó khác hẳn với hành vi đánh chết một mạng người của Trung tá công an Vũ Văn Ninh, vì nếu chúng ta còn suy nghĩ con người là cái quý nhất thì không thể có cái lý do gì có thể biện bạch cho hành động này.
Từ sự so sánh trên, nhiều người cho rằng cùng là nhân viên nhà nước thi hành công vụ, cùng phạm tội, với các tội danh khác nhau, nhưng hình như lực lượng công an vốn nhân danh là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ cho chế độ, dẫu có phạm tội nguy hiểm hơn thì vẫn được ưu ái hơn gấp nhiều lần. Mà không chỉ một vụ án nhà báo Hoàng Khương cho chúng ta thấy điều đó, mà còn rất nhiều các vụ án khác mà bị cáo là công an cũng đã cho thấy họ (nhân viên công an) có một vùng cấm, một đặc quyền riêng. Đó chỉ là so sánh giữa cùng là nhân viên nhà nước thi hành công vụ vi phạm pháp luật đã thấy sự bất bình đẳng, chứ chưa dám so sánh giữa nhân viên nhà nước thi hành công vụ với người dân phạm tội với các tội danh khác nhau. Như vụ án “Ba nông dân bị 13 năm tù vì ăn cắp hai con vịt” cách đây không lâu hẳn mọi người còn nhớ, nếu so với vụ Trung tá công an Vũ Văn Ninh đã vô cớ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng theo phương pháp số học, thì hóa ra ở Việt nam mạng người rẻ mạt tới mức hai con vịt đổi được ba mạng người dân lương thiện hay sao? Vậy khẩu hiệu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bây giờ chính quyền nhà nước họ đang để ở đâu?
Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn nhận vấn đề với một cách hời hợt như trên, mà không truy ra căn nguyên gốc của vấn đề, thì cuối cùng việc chúng ta cứ kêu rằng làm báo hay viết blog ở Việt nam thật nguy hiểm, nhất là các phóng viên, nhà báo, bloggers làm về mảng tham nhũng chống tiêu cực. Nhiều khi vì muốn nói hay công bố sự thật người ta phải đổi bằng tính mạng của mình. Vậy tại sao và đâu là nguyên nhân của sự vô lý đó?
Ai cũng biết rằng, thực tế ở Việt nam bất kỳ ai làm công chức nhà nước thì tiền lương không đủ để trang trải các chi phí cho cuộc sống hết sức bình thường của gia đình họ, với nhiều người đặc biệt là lực lượng công an thì tiền lương tháng không đủ uống cà phê và đổ xăng xe hơi. Song trên thực tế người ta sẵn sàng mất hàng chục, hàng trăm triệu để chạy chọt sao có một chân để được làm ở trong ngành công an để với mục đích kiếm chác làm giàu. Chính chủ trương của đảng CSVN và chính quyền của họ là như thế, cũng như việc nhà nước để cho quân đội thay vì tập trung vào việc bảo vệ tổ quốc thì được tham gia làm kinh tế. Đó chính là biện pháp mở nhưng nhằm trói buộc, gắn quyền lợi của các cá nhân trong lực lượng vũ trang với vận mệnh của đảng CSVN theo khẩu hiệu còn đảng, thì còn mình. Điều này cũng để giải thích cho việc vì sao thu nhập của công chức ở Việt nam luôn tồn tại hai khoản lương và lậu, nhưng lương thì ít, lậu nhiều thì nhiều. Đồng nghĩa với việc ai mà buông nhà nước ra là khổ, có nghĩa cũng phải bám chặt vào nhà nước để tồn tại. Công chức thì như thế, nhưng ngược lại các tầng lớp lao động tay chân, công nhân, nông dân, thợ thủ công hay những người buôn bán nhỏ... bỗng nhiên trở thành đối tượng phải chủ chi các khoản thu nhập lậu của đám công chức.
Có người cho rằng cho rằng ở Việt Nam pháp luật chưa được tôn trọng tối đa, chưa được thực thi triệt để, điều đó sẽ khiến các phóng viên, nhà báo hay các bloggers luôn luôn phải đối chọi với thách thức trong việc tác nghiệp, viết về mảng đề tài nhạy cảm này. Hoặc cũng có người thi cho rằng nền tư pháp ở Việt nam là nền tư pháp thiếu tự chủ và thiếu trưởng thành và đa phần họ đều có chung một quan điểm rằng bản án 4 năm tù cho Hoàng Khương vừa không mang lại một lợi ích chung nào. Nhưng nếu chúng ta hiểu được một sự thật rằng, việc duy trì sự tồn tại của tham nhũng là một trong những chủ trương, biện pháp nhằm củng cố sự tồn tại của đảng CSVN và chính quyền của họ. Nghĩa là tham nhũng luôn được coi là người bạn đồng hành của chế độ hiện tại, ai chống tham nhũng là đồng nghĩa với chống đảng, chống chính quyền. Với một hệ thống pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, thực chất là một thứ luật pháp giả hiệu nhằm bảo vệ quyền lực và lợi ích của một thiểu số người nhân danh đảng CSVN. Vì theo nguyên tắc, bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó, nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó. Một nhà nước độc tài toàn trị như hiện nay ở Việt nam, đã và đang theo đuổi thứ chủ nghĩa cộng sản với một nền pháp chế mang đậm màu sắc XHCN thì không bao giờ nên nói tới chuyện luật pháp, chứ đừng nói tới sự công bằng và tính thượng tôn của của pháp luật. Bởi luật pháp ở Việt nam hoàn toàn không mang tính chất xã hội, nó không chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ. Nói như vậy để thấy việc bản án 4 năm tù cho Hoàng Khương không phải không mang lại một lợi ích cho thế lực cầm quyền, vì nó mang tính biểu trưng cho sự dằn mặt đối với những ai còn tư tưởng chống tham nhũng ở Việt nam.
Chúng ta, những người cầm bút ở vai trò đối lập hay phản biện luôn luôn mắc phải cố tật là chỉ luôn nhìn nhận mọi vấn đề không nhìn từ gốc, chỉ nhìn từ hiện tượng để đánh giá một vấn đề thì không thể có biện pháp giải quyết triệt để. Như vụ án nhà báo Hoàng Khương là một ví dụ, nếu cứ tiếp tục đổ tại cho cái pháp luật hiện tại ở Việt nam chưa được tôn trọng tối đa hay thực thi triệt để thì số lượng cá phóng viên, nhà báo hay các bloggers còn tiếp tục mắc phải các "sai sót" và sẽ tiếp tục bịvào tù.
Trước một mảnh đất hoang hóa, đầy cỏ dại, nếu như bạn muốn diệt trừ các loài cỏ dại để canh tác thì tôi khuyên bạn không thể chỉ ngắt ngọn cỏ hay cắt cụt gốc, mà cần phải dùng biện pháp đào tận gốc, trốc cho hết rễ. Có như vậy bạn mới có thể hy vọng một vụ mùa tươi tốt, bội thu trong tương lai.
Ngày 08 tháng 9 năm 2012
© VAOL
Nguồn: Việc thực thi pháp luật ở VN: Phải cải tạo từ gốc rễ của vấn đề - Blog Kami Đài Á châu Tự do RFA.
Không có nhận xét nào