Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Chiến tranh Việt Nam và những phong trào phản chiến

    Nếu chúng ta đồng ý đời là một cuộc tranh đấu thì trước hết chúng ta phải xác định chúng ta tranh đấu để được gì. Hơn nữa trong một cuộc tranh đấu tất nhiên phải có hai thế lực đối đầu, chúng ta lại phải minh bạch chúng ta ủng hộ thế lực nào và chống lại thế lực nào. Khoan nói chuyện đúng sai của cái mục đích mà ta đang tranh đấu, nhưng nếu ta không khẳng định một cách minh bạch những điều vừa nói ngay từ bước đầu thì cuộc tranh đấu của ta sẽ chẳng đi tới đâu, vì nó mất phương hớng, và vì vậy không có hiệu quả. Trong thế giới đầy hỗn loạn này, suốt thế kỷ 20, qua những gì khả tín của lịch sử (lại thêm một vấn đề nữa về độ khả tín của lịch sử, nhưng đó là vấn đề khác, không phải chuyện ở đây) và qua những gì diễn ra mà chúng ta là những nhân chứng sống, chúng ta đã chứng kiến, và thậm chí trải nghiệm nhiều cuộc tranh đấu, ủng hộ điều này, chống điều kia.

    Đất nước của chúng ta có quá nhiều cuộc chiến tranh. Không kể những cuộc chiến xa xưa trong suốt cà nghìn năm dựng nước, chỉ kể những cuộc chiến gần đây, ở hậu bán thế kỷ 20, cũng đủ làm cả thế giới phải biết đến cái tên nước Việt Nam. Ở đây mỗi khi tôi trả người da trắng “I'm from Vietnam”, hầu hết đều “Ah, Vietnam war.” Thế đấy.

    Và suốt cuộc chiến tranh Việt Nam đó có khá nhiều phong trào phản chiến đã có cơ hội dấy lên, ngay trong lòng nước Việt và trên thế giới. Đó là những phong trào chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Tôi tin tưởng rằng, đối với một người dân bình thường của bất cứ một quốc gia nào, thì chiến tranh là một tai họa, không một người dân nào muốn chiến tranh cả. Và một điều quan trọng hơn cả thường bị quên lãng, khiến cho mọi phong trào chống chiến tranh thường trật đường rầy và không hiệu quả, và còn phục vụ cho những thế lực phát động chiến tranh.

    Vâng , cái điều quan trọng bị quên lãng đó mà tôi muốn nói là lực lượng phát động chiến tranh. Khi những chiếc xe tăng Đức vượt biên giới Đức-Ba Lan, thì đó chính là hành động đốt ngòi nổ khởi đầu phát động một cuộc chiến tranh thế giới toàn diện. Sau đó là gót giày của đội binh Đức quốc xã lần lượt dẵm nát lãnh thổ của hầu hết các quốc gia chấu Âu, biến những đất nước đang hưởng thái bình thành chiến trường đẫm máu, những vùng đất chất ngất đau thương ngập tràn khói lửa đao binh.

    Giả dụ như bạn muốn hô hào chống chiến tranh vào lúc này, thì bạn sẽ kêu gọi những gì? Bạn sẽ chống ai đây? Bạn chống quốc xã Đức hay bạn chống Pháp, Ba Lan? Đúng ra bạn muốn kêu gọi tất cả mọi phe phái tham gia đều buông súng, phải thế? Tôi không phản đối bạn cái thiện chí đầy tính nhân đạo này. Bạn muốn yêu thương thay vì chém giết, hận thù. Đúng vậy, ai lại không muốn thế. Tuy nhiên tôi tin rằng bạn cũng thừa biết, đa số những thế lực phát động chiến tranh đều có mưu đồ tham vọng, và cái tham vọng quyền lực này luôn được nuôi dưỡng phát triển ngày càng lớn mạnh. Chúng không bao giờ từ bỏ những giấc mộng điên cuồng đó cả. Lịch sử loài người cho thấy chúng chỉ bị bắt buộc từ bỏ mà thôi. Thế cho nên, mọi cái gọi là phong trào chống chiến tranh không hề gây một ảnh hưởng gì, dù là nhỏ nhất, đối với những thế lực phát động chiến tranh cả.

    Trở lại với cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngay sau 1954, những người ccojng sản đương quyền bắt đầu ra tay để củng cố quyền lực bằng bạo lực cách mạng. Họ tìm cách thanh trừng mọi đảng phái khác, những thành phần mà trước đây trong kháng chiến họ đã kêu gọi “đại đoàn kết” thì nay họ tìm cách loại bỏ, tiêu diệt càng tốt. Về mặt xã hội, họ cũng tìm cách “ổn định” bằng bạo lực với liên tục những cái gọi là “chiến dịch”, từ cải cách ruộng đất đến triệt tư sản, cho đến trấn áp trí thức và văn nghệ. Sau một thời gian ngắn, khi họ đã tạm yên chí là tất cả đều ngoan ngoãn vì sợ hãi, không còn lo những thế lực phản động trỗi dậy được nữa, và họ bèn sực nhớ đến miền Nam!

    Đại Hàn cũng rơi vào một hoàn cảnh tương tự, nhưng dân Nam Hàn may mắn hơn, vì chính quyền Bắc Hàn dù hung hãn nhưng không có mưu đồ thôn tính miền Nam (Đại Hàn); mà nếu có thì vì một lý do nào đó Bắc Hàn đã không thực hiện. Hơn nữa, kể từ sau khi hiệp định ngừng bắn chia đôi đất nước Triều Tiên, Mỹ đã duy trì căn cứ và quân đội trên đất nước này nhưng Bắc Hàn vẫn thể dùng cớ đó là sự “xâm lược của đế quốc Mỹ” mà tiến hành cuộc “chiến tranh giải phóng” như ở Việt Nam.

    Việt Nam thì khác; mưu đồ “thống nhất” đã manh nha ngay từ phút ban đầu ngay sau khi ký kết hiệp định Geneva. Sau khi chính quyền miền Nam “bội ước” không thực hiện cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vì nghĩ rằng, sự kiểm soát tính công bình và minh bạch cho một cuộc tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ vào thời điểm như thế, trong một hoàn cảnh như thế sẽ là bất khả thi. Đó là một hành động “chơi ăn gian” nếu có thể cho là thế, nhưng nhờ vậy mà toàn miền Nam lại tránh đuợc nguy cơ bị nhuộm đỏ sớm hơn hai mươi năm, cái khoảng thời gian hai mươi năm đầy ý nghĩa của sự phát triển và xây dựng một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa vô cùng non trẻ, mà dù trong một hoàn cảnh đầy biến động cùng với chiến tranh tàn phá khắp nơi lại có những bước tiến mà không ai có thể phủ nhận được (từ xã hội, văn hóa, kinh tế.)

    Chiến tranh nổi dậy lật đổ chính quyền tay sai

    Ai cũng biết là ngay sau khi miền Nam “bội ước”, cung đình miền Bắc chia làm hai phe nhóm có hai khuynh hướng khác nhau về cách giải quyết miền Nam. Có nhóm thì chủ trương dùng thương thảo chính trị để giải quyết vấn đề thống nhất, có nhóm thì chủ trương bạo lực, có nghĩa là phát động chiến tranh để cướp lấy chính quyền. Và bất hạnh cho Việt Nam là nhóm sau lại có nhiều thế lực khuynh đảo, và kế hoạch cho cuộc “nam tiến” được đưa ra bàn thảo tiến hành, và cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời. Với một tên gọi như thế, nhà cầm quyền miền Bắc muốn cho mọi người hiểu rằng đây chính là “nhân dân miền Nam nổi dậy” muốn lật đổ chính quyền tay sai miền Nam, miền Bắc chỉ có vai trò “ủng hộ” mà thôi.

    Thực ra thì toàn bộ kế hoạch cho đến thực hiện từ A tới Z đều do họ “lập trình” và cái gọi là MTGPMN là một “software” không hơn không kém. Chuyện đó không còn gì là bí mật nữa. Thế là ở miền Nam, chiến tranh bắt đầu bột phát từ đấy, từ một căn cứ nhỏ gọi là Cục R, điểm xuất phát cho một cuộc binh đao đầy máu lửa trên quê hương Việt Nam. Thế là đường mòn Hồ Chí Minh là con đường tiếp vận, vũ khí, binh đội, xâm nhập miền Nam. Trong quyết định thôn tính miền Nam này, chắc chắc có sự tham vấn của hai ông anh cả Nga Hoa của thế giới CS, và đã được hai ông anh này vỗ vai khuyến khích

    Chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam

    Thế là chỉ sau chưa đầy mười năm kể từ sau khi ký kết hiệp định Geneva, gọi là hiệp định vãn hồi hòa bình tại Đông Dương, thì chiến tranh ngày càng leo thang lên đến tột đỉnh. Trong cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu, người Mỹ thấy rõ ý đồ của những thế lực phát động chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Làn sóng đỏ đe doạ toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, mà Việt Nam chính là cái bao lơn Thái Bình Dương vậy. Hai đàn anh Nga Hoa dốc toàn lực hổ trợ, miền Bắc tăng cường mức độ chiến tranh, tăng cường xâm nhập vũ khí và quân số, chiến tranh tiếp tục leo thang. Sau một thời gian hỗ trợ cho chính quyền miền Nam để chống lại làn sóng đỏ, mà chiến tranh thì càng lúc càng lan rộng và cường độ càng lúc càng tăng, người Mỹ tỏ ra nôn nóng và họ tưởng họ sẽ giúp miền Nam giải quyết cuộc chiến này nhanh hơn nếu như họ gửi quân tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Đây là một quyết định sai lầm của Mỹ. Hà Nội chụp lấy cơ hội ngàn vàng và đổi ngay tên gọi cho cuộc chiến. Bây giờ thì không còn là cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại chính quyền tay sai nữa mà là một cuộc chiến tranh vệ quốc chống đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam! Toàn bộ sự nổ lực tuyên truyền tập trung vào “chủ đề mới” này với công suất tối đa, tranh thủ dư luận quốc tế cả trong nước, và quả thật họ đã đạt được những thành quả đáng kể.

    Cuộc chiến tiếp tục leo thang, số thanh niên Mỹ ngã xuống trên chiến trường miền Nam Việt Nam cũng ngày càng cao. Sự dự đoán đầy tính lạc quan của Mỹ về sự giải quyến nhanh chóng cuộc “xung đột” ở Việt Nam không xảy ra như mong đợi. Giới truyền thông Mỹ khai thác tin tức từ chiến trường Việt Nam chủ yếu làm sao có tin tức giựt gân và thu hút khách hàng, vô hình chung gây hiệu ứng sợ hãi, kinh hoàng trong quần chúng Mỹ, nhất là những gia đình có con em đang chiến đấu ở VN. Thế là có phản ứng từ phía công chúng Mỹ có chiều hướng hoàn toàn bất lợi cho sự tham gia của phía Mỹ trong chiến tranh VN. Và phong trào phản chiến bắt đầu nổ ra. Đầu tiên phát sinh trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh, rồi lan toả rộng ra các giới trong quần chúng. Những phong trào phản chiến này không hiểu vì sao không biết, hay biết một cách hời hợt về nguyên nhân sâu xa và nguồn gốc của những thế lực phát động chiến tranh Việt Nam. Trên TV, báo chí, hình ảnh của người lính Mỹ được vũ trang tận răng trên cánh đồng êm ả của miền Nam, lác đác hình bóng của những nông dân, ngực trần tay trơn đã gây một ấn tượng tức thì cho những phong trào phản chiến Mỹ. Cộng với nỗ lực tuyên truyền hiệu quả của CS, những phong trào phản chiến ở khắp nơi, không ai bảo ai, nhất tề chỉa mũi dùi tấn công trực diện chính phủ và quân đội Mỹ về chiến tranh VN. Thế là có một lúc ở Mỹ, người người phản chiến, nhà nhà phản chiến, phong trào hippie, beatnik, các nghệ sĩ nhập cuộc: ca nhạc sĩ như Bob Dylan, ngôi sao điện ảnh như Jane Fonda, nhà văn, nhà thơ tuần tự gia nhập phong trào. Có thể nói chưa bao giờ mà ban văn hóa thông tin miền Bắc lại hể hả và mãn nguyện như những tháng ngày này; họ có nằm mơ cũng không dám nghĩ chiều hướng dư luận lại thuận lợi đến như vậy.

    Phong trào phản chiến. Nguồn ảnh: dipity.com
    Thật là một nghịch lý đã diễn ra trên chiến trường miền Nam VN. Hãy tưởng tượng nếu như vào lúc thế chiến thứ 2 đang diễn ra, bỗng nhiên có những phong trào phản chiến chống lại sự phản công của đồng minh, thì sự thể sẽ ra sao đây? Nói thế thì các “đồng chí” ngoài kia sẽ rống miệng lên cãi lại là, ấy ấy, nhân dân mình chống đế quốc Mỹ xâm lược mà lại, mình có “chính nghĩa sáng ngời”. Cả thế giới đều biết mà. Thôi cho can đi, đến giờ này thì kiểu tuyên truyền như thế xưa rồi, chẳng lừa được ai nữa đâu. Nếu anh ở yên ngoài Bắc từ sau 1954, như Bắc Hàn, nếu như anh đừng “lập trình” để cho ra đời cái software MTDTGPMN, nếu anh đừng vét sạch mấy thế hệ thanh niên miền Bắc để “hy sinh” đi B không ngày về, thì làm gì có sự có mặt lính Mỹ ở miền Nam? Thì làm gì có bom đạn Mỹ đem vào “xài” ở chiến tranh VN cơ chứ; vì đơn giản lúc ấy có chiến tranh quái gì đâu mà tìm thấy vũ trang cùng lính tráng. Nhưng những điều đơn giản đó lại không được những phong trào phản chiến nhận ra. Thế cho nên, những gì họ muốn tranh đấu để đạt được thì họ lại làm cho cơ hội đó bị đánh mất. Nói một cách khác, sự tranh đấu của họ tạo thành một hiệu ứng phản tác dụng với mục đích của họ: Chấm dứt chiến tranh.

    Hiệp định Paris được ký kết giữa Mỹ và Bắc Việt đã bán đứng miền Nam có một phần đóng góp cực kỳ quan trọng của những phong trào phản chiến. Hiệp định được bốn bên ký kết long trọng có hiệu lực cho tất cà các phe phái tham gia phải buông súng kể từ đầu năm 1973. Vậy mà, như ta đã thấy, và đã nói ở trên, mức độ và cường độ chiến tranh càng trở nên khốc liệt hơn trước. Như đã nói ngay ở đầu bài, những thế lực phát động chiến tranh không bao giờ từ bỏ tham vọng của họ ngoại trừ trường hợp bị bắt buộc phải từ bỏ. Mỹ quay lưng, cái áp lực đáng kể có khả năng khiến họ từ bỏ tham vọng đó giờ đây không còn nữa, thì quả là không còn gì hả hê hơn thế. Hiệp định Paris là một món quà bất ngờ mà người Mỹ đã trao tặng không điều kiện cho CS Bắc Việt vậy.

    Graham Green, nhân ngày kỷ niệm mười năm “đại thắng mùa xuân” đã nói,


    “...tôi đã sai lầm khi viết “The quiet American”, bây giờ có muốn đính chánh lại những sai lầm khi xưa thì đã quá muộn. Ảnh hưởng cuốn sách quá lớn, không thể chỉ vài câu nói là có thể tẩy sạch những di chứng của nó, mà bây giờ thì tôi đã quá già, không thể làm gì hơn...”

    Còn Jane Fonda? Sau này bà đã phải lên tiếng trên những phương tiện truyền thông, chính thức tạ lỗi vì những hoạt động “phản chiến” khi xưa.

    Nói gì thì nói, tất cả đã trở thành lịch sử, cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam để tránh thảm họa Cộng Sản đã không như ý nguyện, cả đất nước chìm trong làn sóng đỏ. Chiến tranh chấm dứt, mà không cần đến một phong trào phản chiến nào. Tham vọng của những thế lực phát động chiến tranh ngày nào đã đạt được. Chính những con người đó, giờ đây tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng to lớn hơn, nhưng lần này, để đạt được mục tiêu của tham vọng họ lại tránh né chiến tranh cho đất nước.

    Lần này thì quê hương có khả năng tránh được tai họa chiến tranh, nhưng dân tộc có khả năng vướng vào một thảm họa mới, không kém bi đát: đưa dân tộc vào vòng nô lệ!

    Phong Vũ



    Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, chú thích và minh hoạ.

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728