Header Ads

  • Tin Mới Nhất

    Bùng nổ chiến tranh từ bãi cạn?

    Tình trạng đối đầu trên biển giữa Philippines với Trung Quốc từ một tháng nay ở khu vực lãnh hải quanh bãi cạn Scarborough càng thêm căng thẳng, khi bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ ba triệu đại biện lâm thời của sứ quán Philippines tại Bắc Kinh đến để phản đối hành động của Manila. Thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc về việc này chứa đựng những lời lẽ rất cứng rắn. Hoa Kỳ tuyên bố trung lập, nhưng lại cam kết bảo vệ Philippines theo hiệp ước 1951. Scaborough sẽ nổi sóng thật chăng?
    Một chiến hạm của hải quân Philippines

    Dằn mặt Hoa Kỳ

    Bà thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tuyên bố những lời lẽ cứng rắn với đại biện Alex Chua của Philippines sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hoàn tất cuộc đối thoại với Uỳ viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh về các vấn đề quốc tế và song phương.
    Sau cuộc đối thoại, bà Clinton tuyên bố Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở biển Đông. Nhưng sau đó bà Ngoại trưởng Mỹ lại xác nhận Hoa Kỳ sẽ thực hiện những điều cam kết trong hiệp ước an ninh chung với Philippines. Vì thế Trung Quốc có hành động cứng rắn như vậy là để xác định lập trường đồng thời tái xác định quan điểm của họ về lãnh hải “Lưỡi Bò” trên biển Đông, và tỏ ra quyết không lùi bước trước mọi phản kháng và thách đố của Philippines hay bất kỳ nước nào khác trong vấn đề này. “Nước nào khác” đó chính là Hoa Kỳ, vừa nói chuyện “đối tác” ở Bắc Kinh!
    Bãi cạn Scarborough trên bản đồ thế giới- Philippine media screenshot
    Hiện nay lập trường của Trung Quốc và Philippines về lãnh hải trên biển Đông đã hiện rõ sự mâu thuẫn rất căn bản vì lãnh hải Lưỡi Bò đó. Philippines không công nhận những vùng lãnh hải chồng lấn mà Trung Quốc công bố, mà coi đó là vùng đặc quyền kinh tế của mình, không cho Trung Quốc khai thác chung. Liệu các bên có cơ may tìm được giải pháp nào đó không?

    Mỹ-Trung chưa thuận, Phi yên tâm

    Đến nay thì chưa ai đưa ra được một giải pháp nào mà các bên tranh chấp đều đồng thuận, cho nên mới có sự đối đầu gay gắt như vậy. Về phương diện công lý và lẽ phải thì ai cũng thấy rõ thái độ bá quyền bất hợp lý của Trung Quốc ngay từ khi họ công bố lãnh hải “Lưỡi Bò”. Nhưng Bắc Kinh vì quyền lợi sinh tử về mặt chiến lược nên cứ ỷ thế làm càn.
    Hai bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ -Trung Quốc họp báo tại Ngũ Giác Đài, 09-05-2012- US DoD.com photo
    Hôm thứ hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sang Hoa Kỳ, bàn thảo với bộ trưởng Leon Panetta nhiều vấn đề trong đó có cả việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm quốc phòng sang châu Á Thái Bình Dương, nhưng dường như họ né tránh thông báo nội dung và kết quả đàm phán về vấn đề tranh chấp ở  biển Đông.

    Tin tức chỉ nói đến việc hai lực lượng quốc phòng hợp tác phòng ngừa chiến tranh trong không gian ảo, rồi những chuyện chán ngấy như là hợp tác cứu hộ trên biển và cứu trợ thiên tai...
    Giới quốc phòng và ngoại giao hai bên hẳn nhiên đã phải bàn đến những vấn đề như Bắc hàn, Iran, Châu Phi và Philippines nữa, nhưng không ai tuyên bố một điều gì cụ thể.
    Điều ấy chứng tỏ rằng họ chưa có giải pháp nếu không nói là còn mâu thuẫn gay gắt vế các vấn đề liên quan đến  biển Đông. Nhưng điều đó đồng thời có thể chứng tỏ là Hoa Kỳ đứng về phía Philippines, ví thế mới gây mâu thuẫn.

    Một dấu hiệu khác bên ngoài những cuộc bàn thảo song phương đó giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ cho thấy Hoa Kỳ hẳn nhiên đã bênh vực Philippines, là hôm thứ tư bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố rằng trong cuộc nói chuyện với ông hồi tuần trước, Hoa Kỳ đã cam kết bảo vệ Philippines chống mọi cuộc tấn công quân sự ở biển Đông. Ông nhấn mạnh rằng sự bảo vệ đó bao gồm cả các lãnh thổ hải đảo ở Thái Bình Dương, và tất nhiên cả biển Đông. Trước đó nữa thì hôm thứ sáu tuần trước bộ ngoại giao Philippines cho biết năm nay Hoa Kỳ  sẽ viện trợ quân sự gấp đôi cho Philippine

    Hành động xoa dịu

    Song song với những sự kiện đó, Philippines cho biết đang thương lượng với Trung Quốc tại Bắc Kinh về việc hợp tác khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ Rong, đó là tên của Việt Nam đặt và xác định chủ quyền.

    Trước hết nói về nguyên nhân thì hẳn là Philippines muốn nêu vấn đề kinh doanh ra để làm dịu bớt tình hình. Vì theo Tập đoàn Dầu khí Philex của Philippines loan báo hôm thứ ba, họ vừa bàn bạc với tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc về khả năng đối tác trong một dự án khai thác khí tự nhiên tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
    Tàu chiến mới tiếp nhận của Mỹ năm 2011- Phil-Navy.mil photo
    Dự án theo Philippines gọi là Sampaguita này trị giá đến hằng tỷ đô la nằm tại khu vực Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines gọi là Reed Bank, mà hồi năm ngoái tàu hải quân Trung Quốc từng cố ý đâm vào tàu thăm dò một công ty con của tập đoàn Philex. Công tác thăm dò sau đó đã bị ngưng phần lớn.

    Chủ tịch tập đoàn Philex của Philippines cho biết đã nhận được thư mời chính thức từ CNOOC và hồi tuần rồi đã đến Bắc Kinh để thảo luận. Còn việc có đem lại hy vọng không thì người ta không thấy dấu hiệu hy vọng nào cho cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo, và việc của Philex cũng không có nghĩa là Manila lùi bước ở Scarborough cũng như Bãi Cỏ Rong.

    Thứ sáu này ở Manila một số người dân sự sẽ tổ chức biểu tình chống Trung Quốc.  Trung Quốc nhật báo đã doạ dẫm Philippines đừng ào tưởng mà dồn Trung Quốc đến chân tường để Bắc Kinh phải dùng võ lực.

    Đáp số mẫu

    Tuy hai bên đều tỏ ra cương quyết không lùi bước nhưng cả hai phía, cũng như Việt Nam hiện tại và sau này, cũng sẽ cố gắng thương lượng tìm ra giải pháp khai thác chung theo một hình thức nào đó, một tỉ lệ thu hoạch riêng nào đó để dàn xếp với nhau.

    Đó là một giả thuyết mà nếu xảy ra thì đồng nghĩa với sự nhượng bộ của Philippines. Nhưng nếu có được một giải pháp nào đó thì nó có thể là một đáp số mẫu cho những bài toán liên quan đến Việt Nam và nhiều vùng tranh chấp khác sau này. Chính vì thế mà Trung Quốc và Philippines đều hết sức cân nhắc, trong khi Việt Nam phải quan tâm theo dõi.
    Pháo binh Philippines bảo vệ biển đảo -Phil.DoDWeb screenshot
    Phỏng vấn cựu đại tá hải quân Quách Hải Lượng của quân đội Việt Nam xã hội chủ nghĩa, từng là tuỳ viên quân sự của sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên gia về bang giao Việt Trung này cũng cho là các bên đều tỏ ra cứng rắn nhưng thực ra không bên nào muốn gây chiến, và sẽ tìm ra cách giải quyết hoà bình. Ông kêu gọi công luận”thông cảm” cho Việt Nam trong những đối sách với Trung Quốc. Nhà ngoại giao Việt Nam biện giải rằng trên bàn cờ quốc tế ai cũng phải tiến thoái nhịp nhàng, vì mục đích chiến lược lâu dài.

    Mời quý vị đọc và nghe bài phỏng vấn đại tá tuỳ viên quân sự Quách Hải Lượng trên cùng trang web này.  Quý vị dùng từ khoá "quách-hải-lượng", nếu cần.

    © Việt Long - RFA

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728