Đâu là chiếc đũa thần chống tham nhũng?
Lương không bao giờ là chiếc đũa thần chống tham nhũng bởi một lẽ rất đơn giản: Không ai vì nghèo mà tham nhũng cả!
Ban chỉ đạo TƯ về PCTN sẽ trực thuộc Bộ Chính trị, do trực tiếp Tổng bí thư làm Trưởng ban. Tái lập Ban Nội chính TƯ, cơ quan thường trực của BCĐ. Không thành lập BCĐ tỉnh, thành phố mà tỉnh ủy, thành ủy sẽ trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là những quyết định quan trọng vừa được quyết định tại Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng vừa bế mạc sau 9 ngày họp.
Hội nghị TƯ 5 đã dũng cảm nhìn nhận vào sự thật: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”. Nhưng đây là những sự thật lặp đi lặp lại, kéo dài năm này qua năm khác.
Có quá nhiều nguyên nhân, nhấn mạnh là những nguyên nhân cũ rích. “Chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; “Những bất cập về thể chế, trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội; Những “sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch, tình trạng “xin – cho”; “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ ông Vũ Phạm Quyết Thắng nói trên Tuổi trẻ rằng mô hình Ban chỉ đạo hiện nay vẫn còn mang tính chất hành chính trong hoạt động. Dường như “tính chất hành chính” chỉ là một cách nói. Bởi sự nghiêm trọng và phổ biến của tham nhũng cho thấy nguyên nhân quan trọng nhất là sự bất lực của bộ máy phòng chống tham nhũng.
Vì vậy, sự độc lập tương đối khi BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị và việc BCĐ ở địa phương tách khỏi cơ quan hành chính có vẻ là “chìa khóa” nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thực ra, việc tách BCĐ ra khỏi hành pháp thực ra đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề xuất tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH tháng 10-2011. Tổng Thanh tra dẫn ý kiến đề xuất của 40-50% số địa phương” cho rằng chống tham nhũng nên “tách hẳn với hoạt động quản lý, điều hành…”. Bởi nếu vừa hoạt động, điều hành, vừa chống tham nhũng từ chính các hoạt động, điều hành có khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!
Tuy nhiên, sự độc lập không phải là tất cả, như TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Không phải cứ lập BCĐ là xoay chuyển ngay được tình hình như “một chiếc đũa thần”.
Vậy thì đâu là “chiếc đũa thần” cho công tác phòng chống tham nhũng?
Nhiều người đã nói đến liều thuốc “Lương đủ sống”. Chính Hội nghị TƯ lần này cũng đã nhấn mạnh phải “tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương” bởi “chi tiền lương là chi cho đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ và minh bạch hóa các quan hệ xã hội”. Tuy nhiên, lương không bao giờ là chiếc đũa thần chống tham nhũng bởi một lẽ rất đơn giản: Không ai vì nghèo mà tham nhũng cả.
Còn nhớ năm ngoái, khi một quan chức ở Cần Thơ tổ chức đám cưới cho con với dòng chức danh Phó BCĐ tham nhũng ghi to đoành trong thiệp cưới, có tờ báo dẫn lời “tân khách” là một doanh nghiệp nói rằng: Không thân thiết với gia đình ông này lắm, nhưng thấy dưới tên cán bộ ghi chức danh quá to nên “cả nể” đi dự tiệc. Còn ông Phó Ban, giải trình về đám cưới hơn trăm ô tô đậu kín sân, khách mời ngồi kín sảnh 90 bàn, và về dòng chức danh trên thiệp cưới đã đổ phắt cho “con cháu ở nhà” tổ chức in thiệp đã để luôn tên và chức danh của ông còn ông chỉ “in chức danh ở một số thiệp gửi mời cán bộ”.
Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Phạm Anh Tuấn có lần đã nói đại ý: Cái nguy hiểm nhất là xã hội bình thường hóa, chung sống hòa bình với tham nhũng. Ông đòi hỏi: Ngay trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng phải biết dị ứng với cái đó.
Chiếc đũa thần, nếu có, không phải là Ban chỉ đạo nằm ở đâu, có độc lập hay không, cũng khó có thể đòi hỏi “lương tâm và trách nhiệm” của những người có quyền chức, phải là thái độ xã hội, phải bắt đầu bằng sự quyết liệt của cơ quan phòng chống tham nhũng và phải từ một cơ chế cần có để người dân có thể giám sát.
© Đào Tuấn
Theo blog Đào Tuấn
Không có nhận xét nào